Năm mới, nhà giáo chỉ ước 'điều giản dị nhất trên đời' trở thành hiện thực

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/02/2022 10:20 GMT+7

Học sinh được đến trường, điều “giản dị nhất trên đời” lại đang là niềm mong mỏi lớn nhất của “tư lệnh” ngành GD-ĐT cũng như các nhà giáo trong những ước nguyện đầu năm nay.

Xuân sang, có một thứ "dứt khoát cần khai mở"

Ngày mùng 2 tết Nguyên đán, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Với ngành giáo dục, quãng thời gian đóng cửa trường học dài đằng đẵng vừa qua như một mùa đông u ám.

Xuân đã sang, có một thứ cần khai mở, dứt khoát cần khai mở, đó là cổng trường học, để thầy cô đón học sinh tới trường học trực tiếp. Mong mọi điều tốt lành sẽ tới trong xuân này, mong xuân bình an, xuân tốt lành.

Tất cả mọi người cùng chung tay cho một sự khai mở vô cùng cần thiết này của mùa xuân. Con người cần dựa vào và theo nhịp tốt lành của tạo hóa, mong vậy và tin chắc là vậy”…

Niềm vui đến trường của học sinh ở H.Yên Dũng, Bắc Giang
quỳnh trang

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Điều kỳ vọng, mong mỏi lớn nhất của tôi và cũng là của toàn ngành ở thời điểm này là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để học sinh sớm được trở lại trường học, các hoạt động giáo dục sớm trở lại bình thường.

Năm 2022 là một năm có nhiều nhiệm vụ đặt ra với ngành và sẽ tiếp tục là một năm nhiều khó khăn và thử thách. Tôi mong rằng, các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đồng thời ứng phó và thích nghi an toàn trước dịch bệnh".

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng tâm sự: “Năm Tân Sửu, bố mẹ vất vả, các con đơn côi trong căn phòng nhỏ với chiếc máy tính, thầy cô nhớ học trò khôn nguôi… “9 tháng so 9 năm, gian khó tính khôn cùng”… Xuân Nhâm Dần, hy vọng, hy vọng và hy vọng một năm mạnh mẽ… Hà Nội trở thành "vùng xanh", trường học sẽ mở cửa, thầy trò được gặp nhau, điều giản dị nhất trên đời trở thành hiện thực”…

Ông Khang cũng đồng cảm với những lo lắng của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia y tế về nỗi lo “hỏng cả một thế hệ nếu các em phải ở nhà quá lâu" và mong tất cả mọi người, trong đó có phụ huynh cùng "khai lòng" để học sinh, sinh viên được đến trường…

Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), chia sẻ: nhà trường luôn sẵn sàng các kịch bản dạy học khác nhau để ứng phó với dịch bệnh nhưng nói rằng thật yên tâm với chất lượng dạy học trực tuyến chưa thì câu trả lời là chưa. Mong mỏi lớn nhất là học sinh được đến trường, thầy trò được tham gia vào các hoạt động giáo dục trực tiếp bởi học sinh phổ thông không chỉ cần học đủ kiến thức mà còn cần nhiều hoạt động để phát triển toàn diện…

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông (Hà Nội), cũng cho rằng, giải pháp tốt nhất để giải quyết những khó khăn của ngành GD-ĐT năm vừa qua đều là trường học được mở cửa trở lại. Không chỉ học sinh phổ thông, trẻ mầm non, tiểu học cũng rất cần được đến trường để bố mẹ yên tâm đi làm; để các cơ sở mầm non tư thục và giáo viên, nhân viên ở nơi này không phải tìm mọi nghề mưu sinh và đứng trước nguy cơ giải thể, đóng cửa trường như năm vừa qua…

Khi học sinh trở lại trường

Về một số việc cần làm khi đón học sinh trở lại trường sau nghỉ tết Nguyên đán, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Trước khi học sinh quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp”.

Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong buổi diễn tập để chuẩn bị trở lại trường
đậu tiến đạt

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đóc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết để chuẩn bị đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường từ ngày 8.2 Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức các đợt diễn tập, xử lý các tình huống phát sinh vì dịch bệnh khi học sinh trở lại trường.

Về nội dung giáo dục, Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo thích ứng, linh hoạt, hiệu quả.

Chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình của từng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, điều chỉnh kế hoạch môn học, hoạt động giáo dục của từng nhà trường, từng giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế, chất lượng học tập của từng học sinh.

Đáng chú ý, khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Bộ GD-ĐT yêu cầu: căn cứ kết quả rà soát việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu, kết hợp với việc ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh hạn chế điều kiện học trực tuyến.

Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi của nội dung chương trình từng môn học theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT, phù hợp với điều kiện của từng nhà trường, từng đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.