Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng: Linh thiêng mỏm Hạc

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
11/09/2022 07:30 GMT+7

Dấu tích của miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa còn lại trên mỏm Hạc (Nam Ô, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng ) gắn với giai thoại về cuộc giải cứu vị công chúa Đại Việt khiến địa danh này càng trở nên linh thiêng.

Giai thoại ly kỳ

Khi đề cập đến mỏm Hạc, dãy núi thấp từ đất liền lấn ra biển tại khu vực Nam Ô, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, hào hứng kể lại giai thoại Huyền Trân công chúa từng ghé lại gành núi này để trú chân chờ cơ hội để trở lại Đại Việt. “Lịch sử đã chép, năm 1307, khi vua Chiêm Thành là Chế Mân qua đời, vua cha Trần Nhân Tông vì thương con, không muốn công chúa chết theo vua Chế Mân theo tục lệ đã cử thượng tướng Trần Khắc Chung vào giải cứu. Từ đó hình thành giai thoại đoàn quân giải cứu công chúa đã lưu lại Nam Ô trước khi trở về. Câu chuyện này gắn liền với những trầm tích của Nam Ô làm nên điều ly kỳ, thú vị cho mảnh đất này”, ông Thiện nói.

Bức bình phong đổ nát là một phần của miếu vọng Huyền Trân công chúa tại mỏm Hạc

HOÀNG SƠN

Theo lời chỉ dẫn của những cụ già trong làng, tôi men theo đường mòn băng vào mỏm Hạc. Vạch những lùm cây bên lối, đi từ bãi cát hướng ra phía biển chừng vài trăm mét, đập vào mắt là bức bình phong đổ nát, bị rễ cây xuyên qua chằng chịt. Theo cư dân địa phương, đây chính là miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa, được lập nên từ hàng trăm năm qua. Các cụ cao tuổi trong làng kể rằng cơn bão năm Ất Mão (1915) đã đánh sập hoàn toàn ngôi miếu để lại những tàn tích với nền móng chánh đường và hậu tẩm lộ trên mặt đất chừng 10 cm.

Mặc dù chính sử không ghi chép, nhưng những người thạo sử làng Nam Ô xưa nay đều lưu truyền truyền thuyết giải cứu Huyền Trân công chúa. Câu chuyện này được ông Đặng Dùng, người nghiên cứu sử Nam Ô, chép như sau: “Công chúa nhà Trần đào thoát từ kinh đô Chà Bàn nước Chiêm được thượng tướng Trần Khắc Chung và tùy tùng bảo vệ. Trải qua biết bao gian khổ, công chúa đã đến trú ngụ trong rừng gành mỏm Hạc, chờ đoàn soái thuyền của thượng tướng Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn thuận thiên thời ra rước”.

Trải qua mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt rồi đến “tháng Ba nồm rộ, tháng Tư nam non” như bài ca thời tiết mà các cụ thông truyền, công chúa ngày ngày nấp trong rừng Hạc… Khi gió nồm rộ biển, đoàn soái thuyền của sứ bộ Đại Việt theo hẹn cũng đậu ken dày trên cửa biển Hải Vân. Công chúa Huyền Trân lòng khấp khởi ôm con bước xuống “thuyền nhẹ ra thuyền lớn” để về cố quốc. Để tưởng nhớ công đức của vị công chúa góp công lao to lớn trong việc mở cõi qua cuộc hôn nhân chính trị, người làng Nam Ô từ xa xưa lập miếu thờ vọng.

Đất thiêng thần nữ

Ông Đặng Dùng bảo mặc dù những câu chuyện này không được kiểm chứng nhưng sử làng Nam Ô có những tình tiết liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của Huyền Trân công chúa tại mỏm Hạc trong lịch sử. Sau khi ngôi miếu thờ vọng công chúa tại mỏm Hạc sụp đổ, bài vị của bà đã được dân làng thỉnh về thờ chung tại miếu Bà Liễu Hạnh cách đó không xa. Ngày nay, tại di tích này còn thờ Ngũ hành nương nương với ngày lễ vía là 20.2 âm lịch hằng năm.

Trước đó, vào năm 1999, khi khởi công trùng tu miếu Bà Liễu Hạnh, dân làng Nam Ô đã đào được 3 bài vị bằng gỗ sơn huyết sau gần 100 năm bị chôn vùi nơi hậu tẩm. Ông Đặng Dùng cho biết bài vị có khắc Chúa tiên thần nữ. Theo lời kể các cụ trong làng, đó là thần hiệu của Huyền Trân công chúa. Đến nay, tại ngôi miếu thờ Bà Liễu Hạnh (đã được xếp hạng di tích cấp TP) cũng treo tấm bia “phối thờ Chúa tiên thần nữ”.

Liên quan đến miếu thờ vị công chúa, ngư dân Nam Ô lưu truyền bài thơ Vọng miếu từ hàng trăm năm qua với đại ý cầu an khi ra khơi, trong đó có đoạn:... “Khơi xang vũ lạo cầu Trai Tỉnh/Lộng xáp phong ba vái Nữ thần/Chẳng tiếc cành vàng dâng hiến nước/Thì gieo lá ngọc hộ trì dân/Trăm năm dân Ổ (tên làng Nam Ô cũ là Hoa Ổ - PV) còn hương khói/Biến vực ngư giao hóa thủy hàn”. Điều này càng khiến người ta tin vào sự linh thiêng của ngôi miếu cũng như tin vào giai thoại Huyền Trân công chúa được xiển dương là vị nữ thần của dân biển.

Cùng với những câu chuyện này, người dân Nam Ô còn tin vào những điều linh thiêng huyền bí ở mỏm Hạc. Địa danh này dù nằm sát biển với biết bao phong ba bão táp nhưng cây cối khi nào cũng xanh ngút ngàn. Từ bao đời qua, ngoài tên mỏm Hạc, người dân còn gọi đó là “rừng cấm” - cấm chặt cây, cấm nhặt đá. Bởi trong dân gian vẫn còn nhiều câu chuyện khó lý giải, như chặt cây làm miếu thì miếu đổ…

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng đối với đất Quảng, Huyền Trân công chúa là người góp phần mở cõi qua món quà sính lễ (vua Chế Mân tặng 2 châu Ô, Lý trong cuộc hôn nhân với công chúa Đại Việt”. Do vậy, ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, 2 miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa tại Q.Liên Chiểu và Q.Ngũ Hành Sơn còn hàm ý lưu dấu nơi công chúa từng dừng chân. Ông Tiếng gợi mở với tư cách vợ vua Chế Mân, từ kinh đô Đồ Bàn, công chúa Đại Việt hoàn toàn có thể đến đây để ngoạn cảnh vịnh Nam Ô - thắng cảnh về mặt danh nghĩa đang thuộc quyền quản lý của Đại Việt, chỉ đang cách biên giới Champa một con sông - sông Thu Bồn.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay đơn vị đang làm hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng danh thắng đối với mỏm Hạc - ghềnh Nam Ô. “Để xếp hạng danh thắng không phải đơn giản, nhưng dù khó chúng tôi cũng quyết làm. Đặc biệt, ghềnh Nam Ô gắn liền với giai thoại Huyền Trân công chúa trên đường hồi cố quốc đã trú chân. Câu chuyện này gắn liền với những trầm tích của Nam Ô sẽ là câu chuyện rất hút du khách”, ông Thiện nói. (còn tiếp)

Nam Ô - Ngôi làng huyền sử bên chân sóng

Theo dấu tích 'hải đăng' của người Chăm

Kỳ lạ nơi dày đặc giếng Chăm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.