Đó rõ ràng là một phiên bản Mường của truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Trong Lĩnh Nam chích quái, trong số những người con theo Âu Cơ có một người trở thành Hùng vương.
Sắc phong Hùng vương năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) |
T.L |
Người Mường và người Kinh (người Mường tự gọi mình là mon, moăn, mol, mwanl - nghĩa là người, và gọi người Kinh là người Chợ) được các nhà dân tộc học xác nhận là có chung nguồn gốc, nhưng đã phân tách ra do các điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội tách biệt. Tiến trình này có lẽ đã bắt nguồn từ thế kỷ 10, khi các dân cư ở đồng bằng đã xây dựng được nhà nước độc lập, nhưng quyền lực nhà nước ấy chưa vươn lên được các vùng núi. Tạ Chí Đại Trường muốn đẩy sự phân tách này lên xa hơn, vào thời Ngô, khi Đào Hoàng phân chia vùng đồng bằng và thượng du Giao Châu thành các đơn vị hành chính khác nhau.
Sự thống nhất chính trị ở đồng bằng chỉ cho phép một phiên bản chuyện Trăm trứng tồn tại. Đó là phiên bản Lạc Long Quân - Âu Cơ được triều đình Lê sơ chuẩn thuận. Nhưng ở các vùng người Mường, nhiều phiên bản của câu chuyện này đã được lưu hành trong các cộng đồng Mường khác nhau. Đào Duy Anh kể một truyền thuyết khác về chim Ua và Ay ở hang Hào (Gia Viễn, Ninh Bình) đẻ ra trăm trứng: 97 trứng nhỏ và 3 trứng lớn. Các trứng nhỏ nở thành 97 dân tộc, 50 người chia ở miền đồng bằng, 47 người lên ở miền núi. Ba trứng lớn nở ra Lang Da Cái, Lang Da Cấn và Cô Nàng Kít. Người Mường và người Chợ bị ác thú làm hại nên tôn Lang Da Cấn làm vua. Lang Da Cấn nhường ngôi cho anh. Nhưng Lang Da Cái bị yêu tinh ăn thịt, nên Lang Da Cấn bèn lên ngôi vua. Ngoài ra còn có những chuyện kể khác nữa về sự chia ly của những cặp phối ngẫu khác nhau với số lượng con cái khác nhau. Type truyện Trăm trứng - phân ly rõ ràng đã phổ biến trong cộng đồng người Việt trước khi phân tách thành Kinh và Mường, Chợ và Mol.
Nhà Thái học Cầm Trọng cũng chỉ ra một kết cấu như thế trong sự phân chia các ngành của người Tày - Thái. Cầm Trọng nói rằng người Thái Đen từ lâu coi mình là con cháu nòi Rồng (ở nước), còn người Thái Trắng xem mình là con cháu nòi Chim (ở cạn). Người Nùng nhận mình là người Áo Đen, người Tày tự nhận mình là người Áo Trắng. Ngoài ra ở Vân Nam (Trung Quốc) còn có sự phân chia thành Thái Nước và Thái Cạn. Cầm Trọng đề xuất một mô hình trong đó một bộ lạc gốc Tày - Thái cổ được phân chia thành hai thị tộc: thị tộc Rồng - Nước của dòng nữ và thị tộc Chim - Cạn của dòng nam. Đó là cơ sở để người Thái, Tày và Nùng phân chia mình thành các nhóm khác nhau. Phát biểu của Lạc Long Quân “ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên” phảng phất quan niệm phân chia dân tộc đó của người Tày - Thái.
Hồng Bàng thị truyện: sự hòa hợp của một nước Đại Việt mới
Câu chuyện về Hồng Bàng thị cuối cùng đã áp đảo các phiên bản truyền thuyết lập quốc cổ hơn, trở thành nền tảng để phát triển hệ thống truyền thuyết Hùng vương sau này. Sự chuẩn thuận câu chuyện Hồng Bàng thị được thực hiện bởi nhà Lê sơ. Người lập ra triều đại này là Lê Lợi vốn là một phụ đạo miền núi Thanh Hóa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ ra trong cơ cấu lực lượng của khởi nghĩa Lam Sơn có sự tham gia của nhiều thế lực người Mường và người Thái ở miền núi phía tây. Triều đại Lê sơ “đến đứng chầu ở sân rồng là các đại thần với đủ gốc gác, tiếng nói: Mường - Thái - Việt và Hán Việt, trong đó, văn tự chính thống lại là Hán”. Nước Đại Việt không chỉ lấy lại độc lập dân tộc, mà đã có sự khác biệt hẳn về chất. Lê Lợi không chỉ là đế vương của đồng bằng mà còn mang thêm tước hiệu Lam Sơn động chủ gợi nhắc quyền lực miền núi. Triều đại Lê sơ do đó không chỉ mạnh mẽ Nam tiến mà còn Tây tiến với những quân đoàn kéo đến tận sông Irrawaddi (thuộc Myanmar ngày nay). Vì vậy, Hồng Bàng thị truyện còn là biểu tượng của sự thống nhất văn hóa. Các truyền thuyết cội nguồn dân tộc được thể hiện ra trong một phiên bản mà các dân tộc ít nhiều đều thấy hình bóng mình ở đó.
Nhận thức về Hùng vương được bồi đắp bởi việc biên soạn các ngọc phả liệt kê đầy đủ vương hiệu và sự tích của 18 đời Hùng vương, của việc xuất hiện các vị thần địa phương là dòng dõi hoặc văn quan võ tướng của Hùng vương. Các triều đại nhà Nguyễn liên tục ban sắc phong công nhận Thánh Tổ Hùng vương. Việc thờ phụng ở đền Hùng (Phú Thọ) được tổ chức hằng năm vào mùa thu. Năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc xin bộ Lễ ấn định chọn ngày mồng 10 tháng ba năm sau làm ngày quốc tế, tức là một ngày trước ngày kỵ của Hùng vương thứ 18.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Bình luận (0)