Nam sinh kiến trúc biết 3 ngoại ngữ và ý tưởng độc đáo cho Mê Kông

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/08/2022 17:27 GMT+7

Là sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chàng trai biết 3 ngoại ngữ đã tới Hàn Quốc dự diễn đàn và cùng đồng đội giành giải nhất với dự án phát triển nguồn nhân lực bền vững các nước thuộc khu vực sông Mê Kông.

Chân dung nam sinh kiến trúc có ý tưởng khả thi khu vực Mê Kông

Đó là Phạm Dương Đăng Huy, 19 tuổi, sinh viên năm nhất chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Huy vừa trở về Việt Nam sau Diễn đàn Tuổi trẻ Hàn Quốc-Mê Kông (ROK-Mekong Youth Group Workshop) do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức.

Ý tưởng nào cho Mê Kông?

Nhóm của Huy với 3 thành viên. 2 bạn còn lại là Yoonki Lee, ĐH Yonsei, Hàn Quốc và Keat Phallyvong, người Campuchia, ĐH Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc.

Đề án của nhóm Huy là Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bền vững ở các nước thuộc khu vực sông Mê Kông thông qua những khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs - viết tắt của Massive Open Online Courses) và trao đổi giữa người với người (PPE - viết tắt của People to People Exchanges).

Đề án giành giải nhất, được ban giám khảo đánh giá khả thi để triển khai trong thời gian tới.

Nói rõ hơn, Huy cho biết MOOCs Mê Kông - Hàn Quốc sẽ cung cấp kiến ​​thức quan trọng cho những sinh viên có thể không có cơ hội tiếp cận, không đủ khả năng chi trả cho các chương trình giáo dục đại học và trao đổi ở nước ngoài. Nền tảng này cũng sẽ bổ sung cho việc học ĐH truyền thống.

Học kiến trúc, Huy còn sử dụng được 3 ngoại ngữ

"Các khóa học tương tác sẽ được thiết kế và quản lý bởi các chuyên gia trong lĩnh vực tại các trường ĐH hàng đầu trong khu vực. Bằng cách mở thêm các khóa học miễn phí trực tuyến sẽ tiếp cận được nhiều học sinh hơn ở các vùng sâu vùng xa”, Huy cho biết thêm.

Bạn trẻ đến từ Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chia sẻ mục tiêu ngắn hạn của dự án là khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động học tập, giáo dục và kinh doanh chung giữa thanh niên Hàn Quốc và các nước Mê Kông để cải thiện phát triển nguồn nhân lực.

Những người trẻ sẽ tìm cách hợp tác với từng Chính phủ để tạo ra một môi trường giáo dục thúc đẩy việc nâng cao năng lực công nghệ thông tin và kỹ thuật số ở các quốc gia thành viên Mê Kông. Điều này tạo ra nền tảng các MOOCs miễn phí cho những trường ĐH và học viện ở các nước Hàn Quốc-Mê Kông để sinh viên có thể đăng ký tự do.

MOOCs sẽ cung cấp một cách hợp lý và linh hoạt các kỹ năng mới, tạo cơ hội thăng tiến sự nghiệp và cung cấp các nội dung giáo dục chất lượng cao...

Nhóm của Huy trình bày đề án

“Về lâu dài, dự án mong muốn thúc đẩy nhiều hơn nữa giao lưu nhân dân và phát triển bền vững giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Mê Kông thông qua Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ Mê Kông-Hàn Quốc được tổ chức hàng năm với nước chủ nhà luân phiên mời các diễn giả từ mọi tầng lớp trong xã hội”, Huy cho hay.

Giành 10 điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT

Huy sinh ra và lớn lên ở TP.Long Xuyên, An Giang, là cựu học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, An Giang. Nam sinh viên này từng giành giải khuyến khích cuộc thi hùng biện tiếng Anh "SPEAK TO LEAD" 2020.

Năm ngoái, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Huy giành điểm 10 tuyệt đối ở môn tiếng Anh. Không chỉ siêu tiếng Anh, chàng trai còn sử dụng được tiếng Pháp và tiếng Hàn Quốc. Huy còn là đối tác dịch thuật Metro Language Services (Mỹ), thành viên ban tổ chức Xuân tình nguyện 2022, ban tổ chức cuộc thi học thuật tiếng Anh Descendants 2022 và cuộc thi Tiếng hát sinh viên 202X.

Các thành viên tham gia Diễn đàn Tuổi trẻ Hàn Quốc-Mê Kông

Nam sinh viên cho biết quê mình là An Giang, nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ dòng sông Mê Kông và là vựa lúa của cả nước, chiếm 54,8% tổng sản lượng toàn quốc. Cuộc sống của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long xoay quanh sông nước. Do đó, như nhiều người trẻ khác nặng lòng với quê hương, Huy lo ngại về biến đổi khí hậu tác động tới đồng bằng.

Huy chia sẻ hệ sinh thái An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang đứng trước bờ vực sụp đổ không thể phục hồi do tác động tích tụ của biến đổi khí hậu và số lượng đập gia tăng ở thượng nguồn sông Mê Kông cũng như các hoạt động nhân tạo khác của con người như phá rừng, khai thác cát, tưới tiêu rộng rãi cho nông nghiệp và chuyển đổi đất ngập nước

Thành viên diễn đàn có các trải nghiệm ý nghĩa tại Hàn Quốc

“Ngay từ bây giờ, các công trình mới cần có những mô hình nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu cứ tiếp tục theo mô hình cũ, khi có bão giông lớn, sạt lở bờ sông… chắc chắn ở đây sẽ xảy ra thảm họa vô cùng nghiêm trọng. Một vấn đề nữa là, khi nước biển dâng, nước ngọt sẽ rất hạn chế, nước biển sẽ xâm nhập sâu vào vùng đồng bằng khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng…”, bạn trẻ bộc bạch.

Đó cũng là lý do Huy trở thành sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và tâm huyết với các diễn đàn, đề án liên quan khu vực Mê Kông.

Máy bay không người lái quản lý môi trường khu vực Mê Kông

Diễn đàn Tuổi trẻ Hàn Quốc-Mê Kông do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức, diễn ra từ ngày 17-19.8 tại thủ đô Seoul.

12 sinh viên đại diện cho Hàn Quốc và 5 nước Mê Kông là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar đã được tuyển chọn để tham gia chương trình.

Đây là năm đầu tiên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức hội thảo với mong muốn tuổi trẻ Hàn Quốc và 5 nước vùng Mê Kông có dịp cùng trải nghiệm, học tập và thảo luận nhằm đề xuất các giải pháp phát triển khu vực sông Mê Kông.

Ba bạn trẻ là người Việt Nam tham gia sự kiện gồm Phạm Dương Đăng Huy, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM; Hồ Đức Hiếu, ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc và Dương Mỹ Trinh, Viện Giáo dục quốc tế Quốc gia Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn được tới thăm Trung tâm nghiên cứu hợp tác quản lý tài nguyên nước Hàn Quốc-Mê Kông tại trụ sở Daejeon của K-Water, Tổng công ty tài nguyên nước Hàn Quốc; Thành phố thông minh Sejong.

Đặc biệt, các thành viên được chia làm 3 nhóm nhỏ để cùng thảo luận và đưa ra các ý tưởng, giải pháp riêng nhằm phát triển khu vực sông Mê Kông, với sự hỗ trợ của Hàn Quốc.

Bên cạnh đề án về phát triển nguồn nhân lực của nhóm Huy (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), các nhóm khác trình bày những đề án chiến lược khác như Trao đổi và thực tập Hàn Quốc-Mê Kông (giải nhì) và Tăng cường quản lý môi trường ở khu vực sông Mê Kông sử dụng công nghệ bay không người lái (giải ba).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.