Nam sinh viên '5 tốt' vươn lên từ nghịch cảnh

Vũ Thơ
Vũ Thơ
29/01/2024 09:25 GMT+7

Từng có một tuổi thơ đầy bất hạnh khi bố nghiện hút, gia đình ly tán nhưng Lê Hoàng Quỳnh (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), vẫn vượt qua nghịch cảnh vươn lên với nhiều thành tích đáng nể.

Tuổi thơ bất hạnh

Lê Hoàng Quỳnh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình có hoàn cảnh éo le, khi bố Quỳnh không may sa vào con đường nghiện hút. Bố mẹ Quỳnh đều làm nghề tự do, thu nhập thấp, bố Quỳnh nghiện hút đã khiến gia đình tan nát.

"Bố mẹ thường xuyên cãi nhau. Bố không có tiền thì gây chuyện đánh mẹ nên mẹ con em phải trốn khỏi nhà. Khi em học lớp 6, trong một đêm đang ngủ được mẹ đánh thức để đưa em và em gái lúc đó 3 - 4 tuổi bí mật ra ở riêng", Quỳnh nhớ lại kỷ niệm đau buồn thời thơ ấu.

Nam sinh viên '5 tốt' vươn lên từ nghịch cảnh- Ảnh 1.

Lê Hoàng Quỳnh đã vươn lên để có nhiều thành tích đáng nể

NVCC

Rồi bố mẹ em ly hôn. Từ đó, mẹ em một mình thuê nhà ở và khổ sở kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Để có tiền, mẹ em làm đủ mọi việc như làm thuê, phục vụ quán ăn, nấu chè bán… "Một thời gian sau, khi bố đi cai nghiện, ông nội em đã liên lạc và đưa mẹ con em về sống cùng. Do quá khó khăn, mẹ em cũng đành chấp nhận. Sau đó, bố em cai nghiện về, ông nội lại muốn bố về ở cùng nên mẹ con em lại chuyển ra sống riêng", Quỳnh buồn rầu chia sẻ.

Mẹ Quỳnh sau đó có thêm người "bạn đời" về chung sống và sinh thêm một người em. Bố dượng và mẹ hằng ngày chạy grap nuôi 3 đứa con, cuộc sống ngày càng khó khăn. Để đỡ gánh nặng cho mẹ, Quỳnh xin phép mẹ về ở với ông nội. Mẹ Quỳnh đồng ý ngay, chỉ ôm con và nói: "Con hãy mạnh mẽ lên!".

Khi đó, Quỳnh học cấp 3, cũng là thời kỳ Quỳnh cảm thấy khủng hoảng nhất. Em bị bạn bè trêu chọc, miệt thị, bắt nạt… Do điều kiện khó khăn, không được ăn uống đầy đủ, Quỳnh còn gầy gò, ốm yếu nên thường bị bạn bè và những người xung quanh chế giễu: "Đừng có thành nghiện ngập như bố mày!". "Khi đó, em thực sự chán ghét bản thân và chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực", Quỳnh nhớ lại.

Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa Quỳnh và mẹ còn bị rạn nứt khi mẹ em định đưa em gái Quỳnh về sống cùng với ông nội. Quỳnh nghĩ mẹ bỏ rơi hai anh em nên đã xung đột dữ dội với mẹ. Từ đó, hai mẹ con cắt đứt liên lạc, mẹ Quỳnh chuyển vào miền Trung sinh sống. Cho đến nay, Quỳnh cũng chưa kết nối lại được với mẹ.

Quỳnh chia sẻ, suốt một thời gian dài, em gặp tổn thương tinh thần sâu sắc, luôn cảm thấy cô đơn, chán ghét bản thân và mọi thứ xung quanh. Trong những điều Quỳnh tự học được, điều lớn nhất có lẽ là phải học cách thấy ổn với hoàn cảnh của mình, với những điều xảy đến với mình. "Không sao mà, mình sẽ tự dựng xây cuộc đời của chính mình", Quỳnh học cách tự động viên bản thân.

Tạo dựng tương lai

Trong những thời điểm khó khăn ấy, nguồn động lực lớn đã "dìu dắt" Quỳnh tiến lên phía trước chính là câu nói của bà ngoại em khi còn sống. Bà ngoại là người vô cùng yêu thương, chở che cho Quỳnh hồi nhỏ. Khi xem ảnh Quỳnh "tốt nghiệp" lớp mẫu giáo, có áo mũ tốt nghiệp và tấm bằng đỏ, bà đã nói: "Bà muốn cháu tốt nghiệp đại học thật cơ".

Quỳnh đã hứa với bà rằng sẽ tốt nghiệp đại học và bà cũng hứa sẽ sống cho đến ngày ấy. Thế nhưng căn bệnh ung thư quái ác đã cướp bà đi khi Quỳnh đang ôn thi tốt nghiệp THPT. "Câu nói của bà như ngọn hải đăng để em ngẩng cao đầu bước đi. Mỗi khi em cảm thấy gục ngã, chênh vênh, em sẽ tự nhủ phải phấn đấu để còn tốt nghiệp đại học, để cho bà vui và tự hào", Quỳnh xúc động chia sẻ.

Hiện Quỳnh đã là sinh viên năm thứ 4 ngành quản trị văn phòng (Khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn). Chàng trai ghi dấu ấn với thầy cô và bạn bè bởi bảng thành tích nổi bật từ học tập cho tới ngoại khóa. Quỳnh vừa được tuyên dương là "Sinh viên 5 tốt" cấp T.Ư, một danh hiệu cao quý của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam dành cho những sinh viên có năng lực toàn diện (học tập tốt, rèn luyện tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt).

Quỳnh có 2 năm liên tiếp đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường; nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp trường năm học 2022 - 2023; nhận bằng khen của Hội Sinh viên Việt Nam TP.Hà Nội cho thành tích xuất sắc trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" 2023; nhận khen thưởng của Hội Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên 2022 - 2023; có bài tham luận trên Tạp chí Quản lý nhà nước (trực thuộc Học viện Hành chính quốc gia).

Ngoài ra, Quỳnh có nhiều bằng khen, giấy khen khác khi tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện và còn tham gia tổ chức nhiều chương trình lớn của khoa và của Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Quỳnh cho biết em đã thực sự trưởng thành khi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè dưới mái trường này.

"Từ lúc vào trường, được bầu làm cán bộ lớp, em đã bước ra khỏi vùng an toàn, coi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn là ngôi nhà của mình. Đặc biệt, khi tham gia công tác Đoàn, Hội trong em luôn có ngọn lửa bùng cháy để chứng minh giá trị của bản thân", Quỳnh kể.

Hiện tại, Quỳnh vừa đi học, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, vừa hoạt động Đoàn - Hội, vừa tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa và cả đi làm thêm.

"Hoạt động Đoàn, Hội giúp em nhận ra được giá trị của bản thân. Em luôn cho rằng, mỗi người không thay đổi được quá khứ nhưng tạo dựng, làm nên được tương lai. Giải thưởng "Sinh viên 5 tốt" sẽ là dấu mốc thời thanh xuân của em. Trước mắt, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt khóa luận tốt nghiệp, đi làm để tự chủ tài chính và sẽ cố gắng kết nối hòa giải với mẹ", chàng trai bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.