Sáng 31.5, ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) và Tổng giám đốc Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) Vũ Tuấn Hùng đã bắt đầu chuyến công tác tới các tỉnh miền Trung và Bà Rịa -Vũng Tàu để làm việc với chính quyền địa phương, các cơ quan an ninh, quân đội... để kịp thời có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cáp quang trên biển. Chiều 31.5, một đoàn khác do ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng BVCT và Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Phạm Long Trận cũng bắt đầu chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ với nhiệm vụ tương tự.
Trao đổi với Báo Thanh Niên chiều 31.5, ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm thông tin Bưu điện cho biết, VNPT đã có thông báo về nguy cơ mất thông tin liên lạc quốc gia tới bưu điện 19 tỉnh, thành phố vùng ven biển và gửi công văn hỏa tốc tới chính quyền địa phương các tỉnh này về nguy cơ và tác hại của việc khai thác cáp quang trên biển. Các công văn hỏa tốc cùng với các đoàn công tác khẩn cấp của Bộ BCVT, VNPT làm việc với cơ quan chính quyền các tỉnh ven biển sẽ giúp tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ hệ thống cáp quang biển.
Ông Việt nói: "Trên thế giới, không có nước nào cho phép khai thác cáp phế liệu trên biển. Giá trị của việc khai thác cáp phế liệu rất nhỏ, chỉ để bán đồng nát, trong khi đó nguy cơ về việc làm đứt hệ thống liên lạc của quốc gia với thế giới là cực lớn. Sự thiệt hại lớn không chỉ đơn thuần là tiền mà cả về uy tín của quốc gia cũng như những thiệt hại không thể lường được khi Việt Nam bị đứt liên lạc với thế giới".
Thông tin từ Công ty viễn thông quốc tế (VTI), việc cho phép khai thác cáp phế liệu không chỉ dẫn tới việc "khai thác nhầm" tuyến cáp quang biển TVH mà Việt Nam tham gia quản lý mà còn có thêm hậu quả khác là "khai thác nhầm" luôn cả một tuyến cáp quang quốc tế đi qua vùng biển Việt Nam: tuyến cáp quang ACPN do SingTel (Singapore) quản lý. Lượng cáp quang biển ACPN bị cắt trộm lên tới 32 km. Nguồn tin từ VTI cho biết thêm, số cáp quang biển tuyến TVH bị cắt chỉ khoảng 11 km nhưng số cáp quang cần để thay thế, làm cho tuyến cáp quang TVH hoạt động bình thường trở lại lên tới 98 km.
Thời điểm hiện tại, vùng biển Việt Nam có tới 8 tuyến cáp quang biển đi qua (có 2 tuyến của Việt Nam là TVH và SMW3) thì có 2 tuyến cáp đã bị cắt trộm (một của Việt Nam, một của nước ngoài). Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ BCVT cho biết, việc phòng chống, bảo vệ các tuyến cáp quang biển không chỉ là đối với tuyến SMW3 của Việt Nam mà còn cả các tuyến cáp quang quốc tế khác. Ông Thắng nói: "Tuy sự cố cắt cáp APCN, Việt Nam không phải đền bù cho phía nước ngoài nhưng khi Việt Nam đã cấp phép cho họ đi tuyến cáp quang qua vùng biển của Việt Nam thì Việt Nam phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho những tuyến cáp này". Ông Thắng cũng cho biết thêm, việc cắt trộm cáp quang biển là hành động bị khép vào tội phá hoại các công trình thông tin liên lạc quan trọng của quốc gia và theo Luật Hình sự thì tội danh này sẽ bị xử với khung hình phạt từ 3 năm tù cho đến tử hình.
Ngày 31.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký công điện hỏa tốc gửi các Bộ Tài nguyên - Môi trường, BC-VT, Quốc phòng, Công an, Văn hóa-Thông tin và UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc cắt trộm cáp quang trên biển đang được vận hành. Thủ tướng nêu rõ, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, nhiệm vụ an ninh quốc phòng và uy tín của nước ta đối với các nước trong khu vực và trên thế giới, cần phải xử lý nghiêm. Thủ tướng yêu cầu các Bộ và địa phương triển khai khẩn cấp một số việc sau: + Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra hoạt động các tàu thuyền trên vùng biển Việt Nam có tuyến cáp quang và các trạm cập bờ, đảm bảo an toàn cho việc vận hành an toàn các tuyến cáp quang này. + Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển đang được vận hành. + Bộ BCVT chỉ đạo VNPT nhanh chóng sửa chữa các tuyến cáp viễn thông ngầm trên biển, khôi phục lại thông tin liên lạc trong thời gian ngắn nhất, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin kịp thời về sự cố các tuyến cáp nêu trên. + Đối với UBND các tỉnh, thành phố ven biển: trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định quản lý việc khai thác, thu mua, buôn bán các loại phế liệu trên biển, nghiêm cấm mọi hình thức khai thác cáp viễn thông ngầm trên biển. UBND các tỉnh này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về tầm quan trọng của cáp viễn thông ngầm trên biển và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh thông tin quốc gia, tố giác kẻ vi phạm. |
Hoàng Ly
Bình luận (0)