Đền Đông Hạ (ngõ Huế, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) gần đây trông mới hẳn với nước sơn quét màu xám. Hai tượng hộ pháp cũng có màu rực rỡ. Mặt tượng có đôi môi sơn đỏ, lông mày được vẽ với những đường nét run rẩy. “Chắc chắn đây là làm mới vì ngày xưa người ta không làm thế”, PGS-TS Trang Thanh Hiền, ĐH Mỹ thuật Hà Nội, cho biết.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhận xét tượng hộ pháp gồm ông thiện và ông ác ở đền Đông Hạ này có tạo hình thoải mái. Sự thoải mái này theo ông là do dân gian qua các thời kỳ có kiểu tạo hình riêng của thời kỳ mình. Dựa vào nét lông mày lưỡi mác của ông ác, ông Cương cho rằng tác giả cũng muốn phân biệt rõ ràng khuyến thiện trừ ác. “Tuy nhiên những nét vẽ thì ẩu thật”, ông Cương nói.
Bà Trang Thanh Hiền cho biết dù trong dân gian tạo hình hộ pháp vốn đa dạng nhưng vẫn có mẫu số chung về tướng mạo và dáng vẻ. “Ví dụ hộ pháp có tướng mặt vuông, hàm én, mày ngài. Tượng cũng có tướng dữ tợn hay hiền lành là để trừ ác khuyến thiện. Hộ pháp xưa không có kiểu biểu hiện thái độ quá lố như thế này. Mũi và miệng trễ... là tướng mạo rất xấu. Không ra dữ tợn cũng không ra trừ ác. Hộ pháp này có những chi tiết làm ẩu”, bà Hiền đánh giá.
Ông Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng không thể khen được một lời nào với những tạo hình hộ pháp này. “Nét khắc và nét sơn cũng không trùng nhau, lại lòe loẹt. Màu sơn rất xấu, chưa kể thần thái của tượng cũng dở”, ông Nam nói.
|
Không riêng tạo hình hộ pháp ở đền Đồng Hạ, nhiều tượng hộ pháp mới dựng ở các di tích khác cũng không thể khen đẹp. “Ngày xưa tượng hộ pháp bằng đất ở các chùa được các cụ làm đẹp lắm. Nhưng tượng đắp bằng xi măng mà lại mới như ở Đồng Hạ thế này thì nhiều nơi làm tệ. Thường thì đồ đắp mới chúng tôi cũng ít quan tâm lưu tư liệu vì không có mấy giá trị, thấy rõ sự cẩu thả khi thực hiện. Nguyên do là trình độ thợ không cao, cộng thêm chủ đầu tư dễ dãi nên mới có nhiều tượng xấu”, ông Nam nói.
“Không chấp nhận được”
Một chuyên gia Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Có một thực tế là nhiều nơi, nhiều công trình trùng tu hiện chỉ coi trọng những hạng mục như các gian nhà chính. Còn phù điêu, bình phong, đồ thờ thường chỉ được coi như phần nối dài của việc trùng tu. Những công việc như thế rất khó hạch toán nên thường ít được coi trọng. Cả thợ lẫn chủ đầu tư đều không coi trọng tính mỹ thuật của hạng mục đó”.
Còn nhớ, tượng la hán ở chùa Đậu (H.Thường Tín, Hà Nội) cũng từng bị sơn phết kiểu không giống ai. Các tượng La Hán sau sơn đều mang móng chân, móng tay đỏ chót trên nền nước sơn bóng loáng. GS Trần Lâm Biền gay gắt cho rằng việc đó không thể chấp nhận được.
Về chuyện sơn phết lem nhem, đền vua Đinh vua Lê (H.Hoa Lư, Ninh Bình) cũng phạm phải. Nhiều mảng chạm sau khi được sơn đỏ trở nên lồi lõm và làm sai lệch độ sâu nông của nét khắc. Thậm chí, bức chạm người đâm thú ở đền này còn không thể nhận ra.
Lăng Ngô Quyền tại Sơn Tây, Hà Nội cũng từng dậy sóng dư luận vì có một thiết kế mỹ thuật là tấm bình phong hình “quái vật”. Tuy được thiết kế là con hổ, song khi thi công, thợ đã thể hiện một con vật mà theo các nhà nghiên cứu “hoàn toàn không có tư cách con hổ”. GS Trần Lâm Biền còn cho rằng nó giống một con báo lai chó sói.
Về những ứng xử với di tích này, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, cho rằng cần phải tôn trọng hơn với các hạng mục mỹ thuật ngoài trời như phù điêu, bình phong. Chúng là một phần của tổng thể di tích. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho những người quản lý di tích, cho chủ đầu tư về việc tu bổ di tích. “Nếu họ hiểu cái đẹp truyền thống, có thẩm mỹ tốt thì việc tạo ra giá trị mới cho di tích cũng sẽ tốt hơn. Nếu không, lâu lâu sẽ lại có những hộ pháp, bình phong, mảng chạm bị chê là cẩu thả xuất hiện”, ông Tín nói.
Bình luận (0)