Nâng bàn ghế, chén đũa bằng đầu, nam sinh đem lòng yêu múa bóng rỗi

06/06/2023 14:29 GMT+7

Bị dĩa rơi sưng mặt, xém chút gãy răng khi nâng chồng ghế hay bị xước dao chảy máu, nam sinh này vẫn quyết tâm theo đuổi nghệ thuật múa bóng rỗi Nam bộ với hy vọng gìn giữ nét di sản đã tồn tại hơn 300 năm.

Theo đuổi bộ môn này hơn 7 năm, đến nay Nguyễn Trọng Hùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Tân Thạnh (tỉnh Long An) dường như xem đây là niềm đam mê và lan tỏa điệu múa bóng rỗi tài hoa của mình đến gần hơn với giới trẻ.

7 tiếng tập luyện mỗi ngày

Năm 2016, Trọng Hùng tình cờ xem một nghệ nhân múa bóng rỗi biểu diễn trên truyền hình với một tiết mục trang nghiêm và đầy đủ các sắc thái truyền thống. Từ đó niềm đam mê với bộ môn này đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng chàng trai trẻ.

Nâng bàn ghế, chén đũa bằng môi, nam sinh đem lòng yêu múa bóng rỗi - Ảnh 1.

Trọng Hùng là chàng trai đam mê nghệ thuật múa bóng rỗi

NVCC

"Mình từ nhỏ đã rất yêu thích các văn hóa truyền thống dân tộc nên khi nhìn thấy nghệ thuật múa bóng rỗi được gìn giữ bởi những nghệ nhân thâm niên, đức độ với nghề đã khiến mình ngưỡng mộ và muốn bản thân là người tiếp theo gìn giữ nền văn hóa này", Trọng Hùng bày tỏ.

Kể từ đó Hùng bắt đầu tìm hiểu và tự học những điệu múa, cách giữ vật thăng bằng qua những clip của nhiều nghệ nhân trên mạng với hơn 7 tiếng đồng hồ/ngày và chỉ sau hơn 1 năm đã gần như thành thục. Để tập luyện, ban đầu Hùng dùng những vật dụng trong nhà như: mâm ăn cơm, chén đũa, bàn ghế… về sau chàng trai này đi làm thêm để sắm cho mình những đồ múa chuyên như: lông chim công, 6 ngọn dao phay, áo dài…

Nâng bàn ghế, chén đũa bằng môi, nam sinh đem lòng yêu múa bóng rỗi - Ảnh 2.

Nhiều lần Hùng bị thương khi luyện tập múa bóng rỗi

NVCC

"Điều khó nhất không phải ở việc giữ thăng bằng mà là sự kết hợp của toàn bộ tay chân, cơ thể sao cho khi uốn mình qua lại và múa tạo được đường nét và điệu bộ trang nghiêm. Đặc biệt nghệ nhân phải luôn có đôi mắt nhanh nhạy quan sát động tĩnh của món đồ múa. Thân hình phải nhẹ nhàng uyển chuyển tạo dáng, tạo hình cùng đôi chân, đôi tay lúc nào cũng phải rất nhanh", chàng trai này cho hay.

Nhưng học múa bóng rỗi không chỉ là múa thăng bằng mà nghệ nhân còn phải biết hát và chầu mời, cho nên Hùng tìm đến những người cô uyên thâm trong nghề để "bái sư" qua đó giúp bài múa mang đậm sắc thái dân tộc mà không bị biến tướng.

"Trước đây, múa bóng rỗi từng bị cho là mê tín dị đoan do có nhiều thành phần lợi dụng để trục lợi nên đã bị cấm một thời gian, mãi khi khi được nhiều nhà văn hóa nghiên cứu thì múa bóng rỗi mới được "hồi sinh" và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. "Bóng" là giao thoa giữa vật chất và tâm linh, "bà bóng, cô bóng" để chỉ người nghệ nhân. "Rỗi" là cứu rỗi khi kết hợp với "bóng" tức là đang hướng mọi điều đến với sự tốt đẹp, làm công việc cầu an cầu phúc", Trọng Hùng chia sẻ.

Nhiều lần bị thương cũng không từ bỏ

Dù rất ham thích múa bóng rỗi, nhưng hành trình theo đuổi của Trọng Hùng lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất chính là đến từ sự không bằng lòng của nhiều người.

"Điểm đặc trưng của bộ môn này chính là nghệ nhân sẽ giả nữ biểu diễn nên từ đầu gia đình đã không đồng tình vì sợ mình bị chê cười và một phần cũng do con đường này quá chông gai, đầy tính vất vả. Đến nay, dù có mẹ và dì ủng hộ nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng mình theo mê tín dị đoan", chàng trai này bày tỏ.

Không chỉ vậy, vì thường hay tập luyện giữ thăng bằng nhiều vật dụng khác nhau bằng đầu, trán, môi nên Hùng có nhiều dấu vết đặc biệt, trong đó là dấu chai do tập cần xoay ở trán nên để lại vết hằn trầy xước do mũi nhọn. 

"Một lần xoay dĩa bị rơi vào mặt nên bị sưng rất lâu, lần nâng chồng ghế khiến cho răng mình gần như bị gãy và hơn 1 tháng mới lành và lần nguy hiểm nhất là ngọn dao rơi vào mặt, cũng may chỉ xước một đường không gây nguy hiểm", Hùng chia sẻ.

Nâng bàn ghế, chén đũa bằng môi, nam sinh đem lòng yêu múa bóng rỗi - Ảnh 4.

Kỹ thuật múa bóng rỗi rất khó và vẫn còn vấp phải nhiều định kiến

NVCC

Khi được hỏi: "Theo bộ môn này, có sợ không?", chàng trai này chỉ cười: "Mình rất sợ nhưng chỉ sợ là không đủ sức để làm nữa, mình chỉ dừng lại nghỉ ngơi rồi tiếp tục làm tiếp cho đến khi già thì thôi. Chính vì múa bóng rỗi rất khó, nên mình càng nghiêm túc sẵn sàng gìn giữ và mang nó đến với mọi người theo chiều tích cực".

Là người bạn thân thiết của Hùng, Huỳnh Trâm, học sinh Trường THPT Tân Thạnh chia sẻ: "Hùng theo đuổi múa bóng rỗi rất quyết tâm và kiên định nên dù có nhiều khó khăn vẫn tự sáng tạo ra dụng cụ để tập luyện. Nhiều lần bị thương, dù mình có khuyên hạn chế tập nhưng vẫn quyết tâm không bỏ".

Nâng bàn ghế, chén đũa bằng môi, nam sinh đem lòng yêu múa bóng rỗi - Ảnh 5.

Hùng dự định sẽ vừa theo đuổi bộ môn này, vừa học đại học

NVCC

Trong dịp thi năng khiếu tại trường, Hùng đã đem múa bóng rỗi biểu diễn trên sân khấu dù khi ấy chàng trai này rất run vì sợ thầy cô, bạn bè sẽ chê cười và có ánh nhìn không tốt về mình. "Mình đã mua chiếc áo dài, chân váy, dụng cụ múa để trình diễn trong 10 phút với đôi chân rất run. Nhưng không ngờ nhận được rất nhiều sự cổ vũ, hưởng ứng của mọi người khiến mình rất xúc động khi đã đón nhận và thích thú với điều mình mang lại", Hùng nói.

Chia sẻ về những dự định của mình, chàng trai này cho biết mình sẽ thi tốt nghiệp THPT nên dù rất yêu thích múa bóng rỗi nhưng vẫn cần tập trung học có một cái nghề để nuôi sống đam mê này và vì gia đình.

"Mình dự định trong 4 năm đại học vẫn sẽ theo đuổi nghệ thuật này nhiều hơn và khi ra trường sẽ dành 1 năm cho công việc của ngành học để có số vốn và trở lại phát triển bộ môn múa bóng rỗi nhiều hơn. Mình hy vọng vẫn luôn đủ sức và vững tâm với con đường đã chọn gìn giữ những điệu múa, nét đặc sắc mà cha ông để lại đến với mọi người", chàng trai yêu múa bóng rỗi này cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.