Liệu người dịch câu nói đó từ tiếng Mông sang tiếng Việt có chỉnh sửa câu nói nguyên bản hay không? Có lãng mạn, bay bổng quá không? Đó là thắc mắc của một khán giả tại họp báo sau khi xem phim Những đứa trẻ trong sương tại Hà Nội sáng 16.3.
Câu nói nguyên bản là lời dặn của mẹ Say với nhân vật chính Di. Khi đó, Di không muốn lấy chồng, còn cậu bạn lại muốn kéo và đã kéo Di về nhà, muốn cưới Di làm vợ. Mẹ bảo Di hãy nói với bạn đi tìm nắng của bạn, còn Di đi tìm nắng của Di, không có duyên thì không nên ở với nhau...
Nhưng không có sự chỉnh sửa câu nói nguyên bản nào cả trong bộ phim đã được chọn vào danh sách 15 phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm nhiều lần xin phép Di để quay những cuộc hẹn hò
Trao đổi với báo chí sau suất chiếu Những đứa trẻ trong sương, đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết phim được dựng lên từ 100 tiếng phim nháp mà cô quay trong suốt 3 năm. Thoại của nhân vật sau đó được đạo diễn Hà Lệ Diễm nhờ một người Mông dịch sang tiếng Việt. Các cảnh quay cũng được "tẩy" để ngắn lại, như 4 tiếng quay đám cưới Mông chỉ còn 1 tiếng. Trong suốt quá trình dựng phim, một người Mông khác được mời cố vấn, xem bộ phim có đúng tinh thần văn hóa Mông.
Những đứa trẻ trong sương ra rạp nhờ sự "cân não" của nhiều bạn bè Diễm trong giới làm phim. Trung tâm Đào tạo tài năng điện ảnh trẻ (TPD) là đơn vị đã đứng ra giúp Hà Lệ Diễm thực hiện điều này. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc TPD, cho biết ông đã liên hệ nhiều hệ thống rạp chiếu. Tuy nhiên, với hầu hết các nơi Những đứa trẻ trong sương đặt vấn đề, chi phí ra rạp quá lớn và tiền bán vé thu về chắc chắn không đủ bù lỗ tiền thuê phát hành. Có nơi lại có lịch chiếu các phim khác quá nhiều và khó sắp xếp. Ấp ủ việc đưa phim ra rạp từ năm ngoái, nhưng tới giờ mới thành hiện thực.
Giờ đây, không phải các nhà phát hành với cụm rạp lớn như CGV hay BHD, cũng không phải các rạp nhà nước đã "đỡ đầu" Những đứa trẻ trong sương tiếp cận khán giả. Nhà phát hành Beta Cinemas đã "đưa tay" đón bộ phim này - bộ phim mà đáng lý quản lý nhà nước về văn hóa, điện ảnh cần giúp đỡ lan tỏa bởi nó nói về văn hóa bản địa của chúng ta, đồng thời mang về vinh quang mà điện ảnh tài liệu trong nước chưa từng chạm tới. "Beta Cinemas đã giúp chúng tôi phát hành với chi phí 0 đồng. Họ cũng hỗ trợ truyền thông", ông Phương cho biết.
TPD đã mở bán vé cho 2 buổi chiếu rồi thành 6 mà vẫn hết vé. Ngoài 6 suất này, Beta Cinemas cũng bán vé trên kênh của họ. Điều này khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn đến những bộ phim tài liệu đã từng rạng danh tại các liên hoan phim quốc tế, sau đó lại nỗ lực tiếp cận rạp như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng hồi năm 2014, sau đó là Lửa Thiện Nhân năm 2016, rồi Finding Phong năm 2018. Những bộ phim này đều ra rạp nhờ nỗ lực của nhà sản xuất và bạn bè, không có hỗ trợ cả chính sách lẫn tài chính từ phía quản lý nhà nước, và đều được khán giả đón nhận nhiệt thành.
Nó khiến người ta đặt câu hỏi, đến bao giờ phim tài liệu hay được hỗ trợ phát hành, để cả công chúng và nền điện ảnh VN đều hưởng lợi?
Bình luận (0)