Những nông dân chân lấm tay bùn đang viết lên những câu chuyện lay động lòng người...
Trăm người một tâm nguyện
15 giờ chiều, trời Lệ Thủy vẫn nắng hoa cả mắt. Bên trong nhà văn hóa cộng đồng thôn 6 Đại Phong (xã Phong Thủy), đã có rất nhiều lương thảo, thực phẩm của bà con trong vùng mang đến. Người vài ba quả bầu bí, người chục cân gạo, người đùm ớt, người thì 5 cân miến... Rồi nào là dưa, cà, nước mắm và kể cả tiền mặt. Có đủ cả, như một cuộc huy động tổng lực, mọi người đang “góp gió thành bão” để chuyển vào tặng bà con ở TP.HCM.
Thấy cụ Hoàng Thị Bòn (76 tuổi) lật đật bước vào, mấy chị em phụ nữ làm công tác tiếp nhận vật phẩm “ớ” lên thắc mắc. Hồi sáng, cụ đã mang 3 quả bí qua ủng hộ rồi cơ mà? Không đợi lâu, cụ Bòn rổn rảng: “Tui về nhà mà cứ áy náy, cả trưa ngủ không được, nên chừ cầm 100.000 đồng qua ủng hộ thêm”.
Đưa tiền xong, cụ cầm cái nón lá phe phẩy quạt quạt, mấy sợi tóc bạc phơ bay lất phất. Nghe tôi hỏi sao cụ phải lặn lội đi ủng hộ thêm, cụ bảo: “Mình cực thì cũng đã cực nhiều rồi. Khi bão lũ người ta không ngại đường sá xa xôi mang tiền của ra giúp mình, chừ người ta bị dịch bệnh mà mình chưa bị thì mình còn tiếc chi nữa!”...
Tôi khá bất ngờ khi biết đợt quyên góp này do 2 bạn trẻ người Đại Phong là Phan Thị Hoài Thương và Hoàng Thị Thùy khởi xướng bằng lời kêu gọi trên mạng xã hội từ ngày 9.7.
Thương tâm sự khi bắt đầu kêu gọi thì lo lắm, vì tình hình dịch bệnh phức tạp, khâu vận chuyển khó khăn. “May mà em đã tìm được nhà xe vận chuyển miễn phí. Hàng vào trong đó sẽ có người của hội đồng hương Lệ Thủy đón nhận, sau đó phân chia về cho người nghèo, người các khu cách ly, hay các gian hàng 0 đồng ở TP.HCM”, Thương nói. Sáng 10.7 bắt đầu tiếp nhận, đến chiều đã được hàng trăm bà con dân làng đến ủng hộ. Vật phẩm chủ yếu là củ quả trong vườn do chính tay người làng trồng ra nên có thể nói... hoàn toàn sạch.
Suốt mấy tiếng đồng hồ ở nơi tiếp nhận, tôi chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động. Đó là cảnh anh Lê Văn Khuy bị tàn tật ngồi xe lăn đến ủng hộ 100.000 đồng tiền mặt. Bà Lê Thị Vân (80 tuổi) góp mì gói và miến dong. Chị Vang đau nằm ở nhà nhưng cũng góp 100.000 đồng của hai mẹ con, nhờ bà Vân chuyển giúp. Bà Võ Thị Hiền (59 tuổi) mua được 10 quả bí đao cất để ăn dần, nhưng khi nghe kêu gọi liền mang cả 10 quả đến, ấy vậy còn mở túi góp thêm 50.000 đồng nữa. Đến như 22 giáo viên của Trường tiểu học Đại Phong cũng đội nắng ra vườn hái được 8 thùng củ quả rồi chất lên xe ba gác kéo tới...
Họ đến, cùng hàn huyên, kể cho nhau nghe về những thông tin, hình ảnh người Sài Gòn đang chống chọi gian nan với dịch bệnh Covid-19 mà họ nghe thấy được qua đài báo, ti vi. Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập. Sinh viên, công nhân, người vô gia cư bình thường có cơm quán ăn, giờ hàng quán đóng cửa thì ăn uống làm sao? Cứ sau mỗi câu chuyện là những tiếng thở dài, lo âu, vấn an. “Mình góp củ quả ri còn đỡ, chớ mấy bữa lũ lụt bà con Sài Gòn phải gói đùm bánh đòn mang ra vất vả hơn nhiều”, một chị ngồi ở góc xa trong hội trường lên tiếng.
|
“Phong trào” góp nông sản
Mà đâu chỉ ở Đại Phong. Những ngày này, khắp ngõ xóm làng quê ở Lệ Thủy dấy lên như một “phong trào” góp nông sản, lương thực gửi người Sài Gòn chống dịch.
Tôi qua làng Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) ở bên kia sông Kiến Giang. Từ xa, đã nghe tiếng những người phụ nữ đi vào từng ngõ kêu gọi các gia đình ủng hộ bà con TP.HCM. Gặp thầy giáo Ngô Mậu Tình, anh kể người dân đến nhà văn hóa làng ủng hộ nhiều lắm; bầu, bí, gạo, mắm đều có cả.
Ngược lên phía thượng nguồn sông, bà con xã Mỹ Thủy cũng đang rộn rã đóng góp. Sáng 11.7, chi hội phụ nữ của các thôn Thống Nhất, Mỹ Hà, Mỹ Trạch phát động và tiếp nhận nhu yếu phẩm ủng hộ hướng vào vùng dịch tại TP.HCM. Đến trưa cùng ngày, ước tính đã thu nhận hơn 5 tấn hàng hóa và một số tiền mặt. Ở đó có những hạt đậu lạc vừa mới được bóc vỏ. Có những bao củ nén đặc trưng của dải đất miền Trung không những thơm ngon mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, chữa trị bệnh.
Mới ngày hôm trước thôi, Hội LHPN xã Mỹ Thủy và chi hội phụ nữ thôn Thuận Trạch đã “rần rần” ủng hộ nhu yếu phẩm, hàng nông sản... Thầy giáo Đỗ Đức Thuần kể: “Ngay từ sáng sớm, tiếng loa phóng thanh đã truyền đi thông điệp đầy cảm động và thuyết phục: “Tất cả vì miền Nam, vì Sài Gòn thân yêu”. Đi đâu cũng nghe người dân bàn tán, rủ nhau đến nhà văn hóa thôn, đến các điểm tập kết hàng hóa để ủng hộ. Chúng tôi gặp các anh trong CLB xe đạp Mỹ Thủy tại nhà văn hóa khi CLB đến trao gửi yêu thương của mình cho bà con của Thành phố mang tên Bác. Thật quý hóa và cảm động!”.
Thầy giáo Thuần cũng tiếp nhận và trao 3,4 triệu đồng của bà con xa gần gửi về cho chi hội, nhờ chị em chi hội Thuận Trạch thu mua thêm nông sản, nhu yếu phẩm. Một chiều rộn rã tiếng cười của những tấm lòng.
|
Gửi tấm lòng theo chuyến xe
Khi những món quà trĩu nặng hương đồng gió nội đang được góp nhặt tại nhiều vùng như Phong Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Mỹ Thủy thì chuyến hàng nông sản với 2 tấn củ quả và cá khô đầu tiên của chị em Hội LHPN xã Hồng Thủy cũng vừa đến TP.HCM và được lực lượng tình nguyện viên Q.Tân Bình chuyển về các phường bị phong tỏa, một số bếp cơm 0 đồng. Di chuyển qua quãng đường dài hơn 1.000 cây số nhưng hàng hóa còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng gì khiến người nhận lẫn người tặng đều vui mừng.
Chị Hồ Thị Gái (Hội LHPN xã Hồng Thủy) tâm sự rằng khi thấy chương trình đồng hành cùng các hộ dân trong khu vực bị phong tỏa của Hội LHPN Q.Tân Bình (TP.HCM), từ miền quê xa xôi ở Quảng Bình, các chị các mẹ cũng kịp kêu gọi bà con nhân dân trong xã. Họ góp rau củ các loại, cá khô, tép khô... Không có sọt đựng, hội kêu gọi hỗ trợ cả sọt; sọt cũ cũng được, miễn là sạch và còn lành lặn. Chị em đội mưa tần tảo hái từng quả bầu, quả bí; các chi hội trưởng cũng tất bật đi thu gom. Thế nên kết quả thu được nhiều hơn dự kiến, dù thời gian chỉ một ngày. “Chuyến rau củ dù không nhiều nhưng đã kịp chuyển đến Tân Bình ngay trong những ngày đầu giãn cách xã hội. Tấm lòng của bà con Hồng Thủy cũng được gửi vào từng trái bí, trái bầu, mong Sài Gòn sớm dập được giặc dịch”, chị Gái bày tỏ.
Tôi biết còn nhiều câu chuyện tương tự từ khắp các miền quê xứ Lệ, mảnh đất vừa hồi sinh sau cơn đại hồng thủy tháng 10.2020. Bà con vẫn chưa quên tấm chân tình đến từ phương nam. Giờ đây, không cần những ngôn từ hoa mỹ, chính hình ảnh khó khăn ở phương nam cách xa đến nửa vòng đất nước đã làm thức dậy nỗi niềm của người vùng rốn lũ, của những ai nặng lòng với Sài Gòn.
Bình luận (0)