Năng lực các Ban quản lý dự án của Hà Nội quá yếu

Vũ Hân
Vũ Hân
27/06/2019 16:48 GMT+7

5 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được 15,3% vốn xây dựng cơ bản , thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, Hà Nội đang trong tình trạng có tiền không tiêu được, trong khi các dự án hạ tầng lại đang thiếu nghiêm trọng.

“Đi họp chỉ muốn trốn” vì giải ngân vốn chậm

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội sáng 27.6, đến hết tháng 5 năm nay, toàn TP giải ngân vốn xây dựng cơ bản được 6.871 tỉ đồng, chỉ đạt 15,3% kế hoạch giao đầu năm. Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT, ước giải ngân 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 31% kế hoạch giao. Đây được cho là con số "tham vọng" của TP, rất có thể sẽ không đạt được.
Đến hết ngày 31.5, còn đến 10 đơn vị giải ngân được... 0% vốn là Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên.... Cả 6 Ban quản lý dự án của TP đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung như BQL dự án Đường sắt đô thị 12%, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông 3%.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, cho biết “rất xấu hổ khi để giải ngân chậm thế này”, “đi họp chỉ muốn trốn”.
Về nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm, UBND TP.Hà Nội dẫn ra hàng loạt lý do cả chủ quan cả khách quan, trong đó đều là các lý do muôn thuở như giải phóng mặt bằng chậm, vướng mắc về cơ chế chính sách, quy định của nhà nước, năng lực các cơ quan còn hạn chế...
Bên cạnh các lý do này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng “năng lực điều hành của BQL dự án hiện nay của TP không đáp ứng yêu cầu”. “Nhiều lãnh đạo ban nắm công việc chưa chắc, điều hành chưa tốt, dẫn đến hồ sơ dự án làm chậm, phối hợp với sở ngành quận huyện còn yếu, tổ chức thực hiện dự án còn nhiều bất cập”, ông Hùng chỉ rõ và cho rằng đây là điểm phải rà soát để nâng cao năng lực các ban, nếu cần thiết thì điều chỉnh cán bộ.
Ngoài năng lực điều hành yếu, ông Hùng cũng đánh giá các BQL dự án chưa tích cực trong tháo gỡ khó khăn, còn đùn đẩy trách nhiệm cho các sở, thậm chí đùn lên lãnh đạo TP. Tới đây, theo ông Hùng, lãnh đạo Ủy ban sẽ xác định rõ các BQL dự án vẫn còn tồn tại để có phương án xử lý.

"Chúng ta đừng bệnh thành tích nữa"

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch thường trực UBND TP, cho rằng tốc độ giải ngân vốn của TP không phải là chậm mà là “rất chậm” và cần phải nghiêm khắc hơn đối với các quận, huyện, BQL dự án, chủ đầu tư, thậm chí các nhà thầu.
“Chúng ta đừng có bệnh thành tích nữa. Nhà thầu nào chậm tiến độ thì phải mời ra. Cũng phải giao ban ở công trường để giải quyết công việc tại chỗ, chứ không phải giao ban xong mà việc vẫn không chạy. Chúng ta phải nghiêm khắc hơn nữa”, ông Sửu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất bức xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ ra một thực tế là 5 năm gần đây giải ngân vốn xây dựng cơ bản của Hà Nội là “chậm dần đều”.
Theo Bí thư Hà Nội, hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Đảng bộ TP đã ra một nghị quyết, yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm túc việc triển khai và giải ngân chậm, có giải pháp khắc phục; nhưng sau đó mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, chứng tỏ kế hoạch kiểm điểm báo cáo Ban Thường vụ Thành Ủy của UBND TP là không có hiệu quả.
“Đây là các vấn đề vẫn còn tồn tại nguyên xi, có gì mới đâu. Mấy hội nghị trước đã nói rồi mà vẫn không tháo gỡ được. Các nội dung xưa như trái đất, nguyên nhân tồn tại lớn nhất là không tập trung tháo gỡ”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, đồng thời giao Ban cán sự Đảng UBND TP “kiểm điểm nghiêm túc, phân rõ nguyên nhân, phân rõ trách nhiệm” của tình trạng trên.
Theo ông Hải, cuộc họp nào của TP cũng nhấn mạnh phải làm rõ trách nhiệm, nhưng vẫn chẳng rõ ai cả.
“Chúng ta chịu trách nhiệm với TP, HĐND, với người dân, chúng ta phải làm có hiệu quả chứ. Các đồng chí nên nhớ chúng ta là 46.000 tỉ đồng chứ không phải 1.000 - 2.000 tỉ như các địa phương khác. Giao tiền mà tiêu không hết thì lấy đâu ra công trình, nước đâu, đường đâu? Chúng ta phải xem xét kiểm điểm lớn nhất là công tác điều hành. Phải có kế hoạch cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.