Từ 1.1.2013, Malaysia đã tăng mức lương tối thiểu từ 800 - 900 RM/tháng (5,6 - 6,3 triệu đồng/tháng) để giữ chân lao động trẻ nước ngoài.
Là một trong 4 thị trường lao động truyền thống của Việt Nam, hiện ở Malaysia có khoảng 65.000 lao động Việt Nam làm việc trong 350 doanh nghiệp ở các lĩnh vực điện, điện tử, may mặc, cơ khí, dịch vụ nhà hàng và giúp việc gia đình... Tuy nhiên, những năm qua, thu nhập tại thị trường Malaysia thấp hơn so với các thị trường khác khiến lao động Việt Nam không mấy mặn mà sang thị trường này. Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao cho biết: “Trước đây, chúng ta ký hợp đồng 18 RM/ngày, sau đó tăng lên 21 RM/ngày. Ngày 1.1 vừa qua, để giữ chân người lao động, chính phủ Malaysia đã tăng mức lương tối thiểu của người lao động lên 35 RM.
Người lao động được làm việc 5 ngày/tuần và có thể làm việc thêm giờ vào thứ bảy hoặc chủ nhật. Đây là số tiền không phải là lớn, nhưng là thu nhập đáng kể với lao động nông thôn Việt Nam. Do phần lớn lao động được trả lương theo sản phẩm nên đối với những người có kinh nghiệm làm việc, năng suất lao động cao thì thu nhập cao, có trường hợp thu nhập 2.000 - 3.000 RM/tháng (tương đương 14 - 21 triệu đồng).
Theo Cục Lao động Malaysia, mỗi năm thị trường này tiếp nhận hơn 3 triệu lao động nước ngoài, phần lớn từ Indonesia và Philippines... Đặc biệt, gần đây chính phủ Malaysia đang khởi động nhiều dự án có giá trị lớn, mỗi dự án hàng chục tỉ USD tại khu vực Đông Malaysia (Sabah và Sarawak). Nhu cầu sử dụng số lượng lớn lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại các dự án lớn để đáp ứng yêu cầu của công việc.
|
|
Năng nhặt, chặt bị
Trần Thị Hương, quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) bỏ nghề trang điểm cô dâu đi làm công nhân lắp ráp điện tử tại Công ty Green Point (thị trấn Sungai Petani, bang Kedah). Vốn chỉ quen cầm cọ trang điểm, 3 tháng đầu ở Kedah với Hương quả là khó khăn. Hương tâm sự: “Xa nhà, sống trong môi trường mới, công việc mới cái gì cũng bỡ ngỡ, lạ lẫm khiến mình áp lực ghê gớm. Có lúc mình chán nản, chỉ muốn bỏ về. 6 tháng trôi qua, mình bắt đầu thích nghi dần và thấy ổn hơn. Dù mức lương hiện tại chỉ 1.100 - 1.200 RM/tháng (tương đương với 7,7 - 8,5 triệu đồng), nhưng bù lại sang bên này mình học hỏi được tính tiết kiệm. Ở nhà làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, còn bên này, tháng nào cũng tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng”.
Tại khu ký túc xá dành cho công nhân Việt Nam của Green Point (bang Kedah), tất cả các khoảng sân trước nhà và sau nhà đều được chị em tận dụng tăng gia sản xuất, từ rau muống, rau đay, mồng tơi, rau cải, đến hành mùi, gừng, ngải cứu… “Thịt lợn, thịt gà đều rẻ hơn ở Việt Nam, nhất là trứng tính ra khoảng 1.500 đồng quả nên tụi mình ăn trứng là chủ yếu. Rau xanh sẵn trong vườn, nhà trọ không mất, đi lại có ô tô công ty đưa đón. Nói chung, đời sống không có gì phàn nàn, chỉ buồn nỗi, công ty dạo này ít việc. Nếu được làm thêm, thu nhập công nhân cũng đỡ hơn”, chị Nguyễn Thị Huê, quê Nam Đàn (Nghệ An) nói .
Nóng lòng muốn tăng ca, tăng thêm thu nhập là tâm lý chung của những lao động mới ra nước ngoài làm việc. Trịnh Thị Huyền, quê Hà Trung (Thanh Hóa), có 6 năm kinh nghiệm tại Công ty may Esquel (thành phố Pulau Piang, bang Penang) chia sẻ: “Trước khi sang bên này, mình cũng từng làm công nhân may ở KCN tại Bình Dương. Lương thấp, không ổn định nên mình quyết định đi Malaysia. Những tháng đầu tiên, nỗi lo món nợ 20 triệu đồng vay ngân hàng lúc nào cũng canh cánh bên mình. Cũng may, công việc ổn định nên chưa đầy 1 năm đã trả hết nợ”. Mặc dù, công ty tạo điều kiện cho về thăm quê, nhưng 6 năm qua Huyền một mực xin ở lại. “Nhớ quê lắm chứ, mình còn mẹ già, con nhỏ, nhưng tính đi, tính lại, mỗi một lần về quê tiền vé máy bay, tiền quà cáp… cũng mất kha khá. Mình còn trẻ, còn nhiệt huyết, mình muốn tranh thủ tối đa thời gian ở bên này để kiếm tiền”. Qua từng năm, tay nghề dần dần nâng cao. Huyền thổ lộ, hiện đã tích lũy được gần 600 triệu đồng, cố làm thêm vài năm nữa có chút vốn liếng, sau này về Việt Nam mở một xưởng may.
Ý định ban đầu đi xuất khẩu lao động với mục đích chính là kinh tế, kiếm tiền giúp đỡ gia đình, song đến nay Nguyễn Thị Bạch Tuyết, quê Cần Thơ đã trở thành một trong những công nhân có “thâm niên” gần 10 năm gắn bó với Công ty Esquel. Tuyết chia sẻ: “Ra nước ngoài làm việc nhanh nhẹn, chăm chỉ thôi chưa đủ, phải biết tính toán, tiết kiệm trong chi tiêu mới có tiền tích lũy. Thay vì ăn cơm căng tin, bên này, nhiều lao động chọn cách dậy sớm nấu cơm bỏ cặp lồng mang đi làm. Như vậy mới dành được tiền về nước còn lập nghiệp”.
Vợ chồng rủ nhau xuất ngoại
Ở Malaysia không hiếm những cặp vợ chồng công nhân Việt Nam cùng rủ nhau xuất ngoại. Có người chồng qua trước, kéo vợ qua sau. Bế Xuân Túc, quê Bạch Thông (Bắc Kạn) kể: “Quy định ở bên này rất nghiêm ngặt, mặc dù làm cùng công ty nhưng hai vợ chồng lại phải ở ký túc xá khác nhau và chỉ được gặp nhau vào ngày cuối tuần. Có vợ ở gần, vừa động viên tinh thần để mình cố gắng hơn, vừa giúp mình giữ hầu bao. Thuận vợ, thuận chồng nên cuối năm rồi, hai vợ chồng cũng đã tích góp được 100 triệu đồng, xây căn nhà nhỏ ở quê”.
May mắn hơn Bế Xuân Túc, cặp vợ chồng Trần Thị Hiên và Phùng Văn Thiện (quê Bắc Giang) đang làm việc tại nhà máy Green Point lại được công ty ưu tiên cho thuê nhà với giá rẻ. Thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 19.000 RM (gần 13 triệu đồng/tháng) nên ngoài thời gian làm việc trong nhà máy, để tăng thêm thu nhập, Trần Thị Hiên còn tranh thủ bán hàng cho công nhân Việt Nam. “Siêu thị mini” của vợ chồng Hiên được đặt ngay trong phòng ngủ, nhưng có gần 40 mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam như: nước mắm, bột canh, mì chính, mì tôm, phở ăn liền, dầu ăn, bánh đa nem… “Ở đây xa chợ và siêu thị nên mình tranh thủ mỗi tuần đi chợ mua thêm hàng về bán. Mình giúp mọi người đi chợ là chính, lời lãi chẳng là bao, chỉ đủ tiền trang trải chi tiêu hằng ngày, coi như bảo toàn được toàn bộ tiền lương”, Hiên bộc bạch.
Thu Hằng
>> Cơ hội cho lao động trẻ ra nước ngoài
>> Cấp bách ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em
>> Kênh liên lạc cho người lao động nhập cư
>> Ngành nghề nào đang thu hút lao động?
>> Năm 2013, nhiều lao động nước ngoài sẽ đến Bình Thuận
Bình luận (0)