Năng lượng tái tạo giúp EVN tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng

20/05/2023 11:18 GMT+7

Nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) thay thế cho than, dầu giúp EVN tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng. Và trong Quy hoạch điện 8, phát triển các nguồn năng lượng mới này cũng là ưu tiên hàng đầu.

Quy hoạch điện 8 hướng tới năng lượng sạch

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quan điểm nhấn mạnh: ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Ngành điện chuyển dịch năng lượng, giảm dần, tiến tới không sử dụng năng lượng hóa thạch, hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050, chính là sự kế thừa, phát huy kết quả Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Quy hoạch điện 8 hướng đến chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời

GIA HÂN

Trong báo cáo về kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận, năm 2022, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối) đạt 35,647 tỉ kWh (chiếm 13,2% sản lượng điện). Trong đó, riêng sản lượng điện mặt trời phát thực tế đạt 26,302 tỉ kWh, tăng 723 triệu kWh so với năm 2021. Ngược lại, điện sản xuất từ nhiệt điện than năm 2022 là 105,173 tỉ kWh, giảm 19,451 tỉ kWh so với năm 2021. Chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm được do không phải huy động 19,451 tỉ kWh điện than (do có điện mặt trời thay thế), EVN tiết kiệm được trên 20.000 tỉ đồng.

Dự báo của EVN, giá than nhập khẩu trung bình năm nay lên tới 330 USD/tấn dẫn tới giá điện từ các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu tăng lên đến mức từ 3.537,21 - 4.230,4 đồng/kWh (tương đương 14,2 - 16,9 Uscent/kWh). Để tiết kiệm chi phí vận hành, điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ được EVN huy động lên tới 37,238 tỉ kWh (tăng 1,6 tỉ kWh so với năm 2022); riêng điện mặt trời là 26,54 tỉ kWh (tăng 238 triệu kWh so với năm 2022). Theo đó, trong năm nay, nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiết kiệm cho EVN khoảng 70.000 tỉ đồng.

Cũng theo EVN, trong giai đoạn 2019 - 2022, sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đã tăng từ 5,242 tỉ kWh lên 34 tỉ kWh, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN, điện chạy dầu giảm 2,17 tỉ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỉ kWh năm 2020, tương đương tiết kiệm khoảng 10.850 - 21.000 tỉ đồng.

Không chỉ hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5 - 6.2021), nguồn năng lượng tái tạo này góp phần giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như: SOx, NOx, bụi, nhiệt.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) và Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) cũng ghi nhận việc phát triển điện mặt trời tại Việt Nam trong những năm qua đã tiết kiệm được 1,7 tỉ USD (tương đương 40.000 tỉ đồng), do không phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng thêm. Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành thị trường năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp đã tích lũy được năng lực, kinh nghiệm đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo.

Phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo

Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Quy hoạch đến năm 2030, sẽ có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Đặc biệt, trong Quy hoạch điện 8, Việt Nam sẽ phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo. Dự kiến đến 2030, sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như: Bắc bộ, nam Trung bộ, Nam bộ. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 -10.000 MW.

Theo TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), Quy hoạch điện 8 cho thấy, Việt Nam sẵn sàng thực hiện cam kết quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Trong chuyển dịch phát triển năng lượng, Quy hoạch điện 8 tính đến hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo, nhưng không chỉ đấu lưới Việt Nam mà còn hướng đến phục vụ xuất khẩu điện. Đây là những điểm rất mới trong Quy hoạch điện 8 so với các quy hoạch trước đây. Ngoài ra, Quy hoạch điện 8 đã tính đến phát triển các nguồn dự trữ, thủy điện tích năng để sản xuất hydro, ammoniac cho phát triển năng lượng xanh. Đây cũng là những nội dung rất mới để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nhìn nhận Quy hoạch điện 8 được phê duyệt sau 2 năm rà soát sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện, giúp giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo ở miền Trung và miền Nam cũng như các tuyến đường dây 500 kV, giúp cân đối cung - cầu giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Bên cạnh đó, Quy hoạch điện 8 đã có lộ trình cắt giảm điện than. Sau năm 2030, Việt Nam không xây mới các nhà máy nhiệt điện than và yêu cầu các nhà máy còn lại chuyển đổi sang sử dụng các dạng nhiên liệu sạch như sinh khối… Quyết định này sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết về biến đổi khí hậu, đưa phát thải ròng bằng không (net zero) tại COP26 cũng như Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo lên tới 67,5 - 71,5% vào năm 2050, cho thấy quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong phát triển các nguồn điện xanh, điện sạch. Nhưng chỉ dựa vào nguồn điện mặt trời, điện gió trên bờ công suất thấp, khai thác không ổn định thì khó đạt được mục tiêu này. Trong khi đó, qua các nghiên cứu, khảo sát cho thấy, cùng một mức công suất, một nhà máy điện gió ngoài khơi sẽ cho sản lượng điện gấp 3 lần so với nhà máy điện gió trên bờ.

"Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km, sẽ không thiếu chỗ để chúng ta xây dựng các nhà máy điện gió ngoài khơi và cần coi đây là lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Trong thực hiện Quy hoạch điện 8 tới đây, nên tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ sở hành lang pháp lý, chính sách thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi để góp phần thực hiện mục tiêu về năng lượng tái tạo đặt ra trong quy hoạch", ông Ngãi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.