Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày 1.7, nắng nóng phổ biến ở các tỉnh Bắc bộ phổ biến từ 36 - 38 độ C. Chi Nê (tỉnh Hòa Bình), TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có nắng nóng 39,4 độ C. Khu vực Hà Nội, nhiệt độ tại Láng đo được là 39,1 độ C; tại Hà Nam và Nho Quan (Ninh Bình) nhiệt độ cao nhất Bắc bộ khi lên tới 39,6 độ C. Còn tại các tỉnh bắc Trung bộ, nắng nóng mạnh nhất đo được tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lên tới 40,4 độ C; tại Tây Hiếu (Nghệ An) là 39,8 độ C.
|
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), lưu ý nhiệt độ do cơ quan khí tượng công bố được đo trong lều khí tượng, nhưng ngoài trời ở các khu vực đô thị nếu mặt đệm là nền bê tông, đường nhựa thì nhiệt độ có thể chênh lệch từ 4 - 5 độ C, còn nếu mặt đệm là mái tôn thì nhiệt độ chênh lệch đến chục độ C. Cũng theo ông Hưởng, nắng nóng gay gắt ở Bắc bộ còn kéo dài ít nhất đến ngày 5.7, ở các tỉnh Trung bộ thì kéo dài hơn sau đó sẽ giảm dần về cường độ.
|
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưởng, riêng khu vực vùng núi phía bắc, ban ngày trời nắng gắt nhưng ban đêm khu vực này vẫn có nguy cơ cao xảy ra gió lốc xoáy, mưa đá, gió giật mạnh. Người dân cần đặc biệt cảnh giác, chủ động các biện pháp gia cố nhà cửa, tài sản ứng phó với các hình thái thiên tai cực đoan.
Vật vã, mệt mỏi
Tại tuyến phố cổ Hàng Ngang - Hàng Đào (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 1.7, nắng nóng gần như đảo lộn nhịp sống kinh doanh trên con phố sầm uất này. Khoảng 11 giờ, nhiều cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm ngày thường vốn đông khách du lịch ghé mua sắm nhưng hôm nay vắng tanh. Trong khi đó, nhiều cửa hàng đồng loạt tìm cách chống nóng bằng cách “buông rèm” che chắn trước cửa nhà, không mặn mà trưng hàng đón khách.
Cũng tại Q.Hoàn Kiếm, tuyến phố Lương Văn Can và khu vực xung quanh chợ Hàng Da có nhiều cửa hàng bán hoa tươi, kinh doanh trái cây cũng trong tình trạng tương tự. Để giữ được trái cây, hoa tươi, các cửa hàng phải dùng vải ẩm che chắn hoặc trùm kín các sạp hàng. Phần vỉa hè cũng liên tục được tưới nước giữ ẩm, chống nóng. “Càng về trưa trời càng nóng, chúng tôi phun nước trước cửa hàng để giải nhiệt nhưng chỉ khoảng mươi phút là bốc hơi hết, phải phun liên tục”, chị Nguyễn Thị Ngà, chủ một cửa hàng ăn trên phố Lương Văn Can, nói.
|
tin liên quan
Bắc bộ, Trung bộ nắng nóng gay gắt, kéo dài nhất trong năm“Giữa trưa nhiệt độ ngoài đường lên đến 40 độ C thì không có khách nào chọn đi xe ôm. Ngay cả tài xế cũng ngại chạy thời điểm này, dù khẩu trang che chắn kín mít nhưng không phải ai cũng có đủ sức khỏe để chạy xe ôm liên tục dưới cái nắng nóng gay gắt bỏng rát”, ông Hoàng Văn Thọ, tài xế xe ôm, cho biết.
Trong khi đó, doanh thu của cánh lái xe taxi bị giảm sâu vào những ngày nắng khi không có khách đi xe. Theo anh Trần Thanh Việt, lái xe Hãng taxi Alpha, cho biết khoảng thời gian từ 11 giờ 30 đến 14 giờ rất ít khách do người dân ngại đi lại. Xe bật điều hòa nhưng vẫn cảm nhận rõ hơi nóng hầm hập phả qua kính.
Vệt nắng nóng trải dài từ các tỉnh Bắc bộ đến bắc Trung bộ cộng thêm gió Lào khô khốc bỏng rát cũng khiến người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vật vã, mệt mỏi. Trên các công trình xây dựng tại TP.Vinh (Nghệ An), công nhân phải đổi giờ làm việc để tránh nắng nóng. Buổi sáng, công nhân chỉ làm việc đến 10 giờ 45 phải nghỉ, giờ làm việc buổi chiều là 14 giờ 30 muộn hơn nửa tiếng so với ngày bình thường. Cũng tại TP.Thanh Hóa, hầu hết các khu bể bơi dịch vụ đều quá tải.
Thu hoạch hoa màu lúc nửa đêm
Những ngày qua, trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch lạc và cấy lúa vụ hè thu. Để đối phó với nắng nóng, bà con đã chọn giải pháp ra đồng lúc chiều muộn hoặc nửa đêm để thu hoạch hoa màu và cấy lúa. Tại H.Lộc Hà (Hà Tĩnh) người dân dùng đèn pin chiếu sáng để nhổ lạc vào ban đêm.
Gia đình bà Phan Thị Mong (54 tuổi, ngụ thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà) cũng chọn ban ngày thì làm việc trong nhà và nghỉ ngơi. Ban đêm, cả nhà kéo nhau ra cánh đồng Cồn Giếng gần nhà để thu hoạch 2 mẫu lạc. Dù làm ban đêm hơi vất vả nhưng tránh được nắng nóng và quan trọng hơn hết là sức khỏe được đảm bảo”, bà Mong nói.
Tại TP.Huế, không thể chịu đựng nắng nóng, buổi trưa, nhiều người dân tràn ra các công viên hai bờ sông Hương, mắc võng nằm dưới bóng mát. Trong khi đó, nhiều công nhân tại công trường xây dựng khách sạn nằm vật vạ dưới những bóng cây để nghỉ trưa.
“Tôi chỉ nuốt vội miếng cơm, nghỉ khoảng 1 giờ rồi ra lại công trường. Nắng cháy da nhưng phải ráng cho kịp tiến độ”, ông Trần Đình Hùng (56 tuổi, ở P.Phước Vĩnh, TP.Huế), đang phụ việc thợ nề cho công trình khách sạn lớn trên đường Lý Thường Kiệt, than vãn.
Nhiều vụ cháy rừng
Từ ngày 30.6 - 1.7, nắng nóng cùng gió Lào khô rát khiến hàng chục héc ta rừng thông ở khu vực núi Hói Lã, xã Trường Sơn, H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị cháy. Ông Nguyễn Đính, Hạt trưởng Kiểm lâm H.Đức Thọ, cho biết đám cháy được phát hiện lúc 12 giờ ngày 30.6 tại khu vực núi Hói Lã và lan rộng ra xung quanh. Sau khi phát hiện vụ cháy, UBND H.Đức Thọ đã huy động hơn 300 người ở các đơn vị kiểm lâm, công an, bộ đội và người dân tham gia dập lửa và phát đường băng. Tuy nhiên, do trời nắng nóng 40 độ C, gió Lào thổi mạnh, đồi núi dốc, thực bì dày nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Mãi đến 7 giờ sáng 1.7, vụ cháy mới được khống chế nhưng khoảng 20 ha rừng thông có tuổi đời 20 năm đang vào độ lấy nhựa bị lửa thiêu rụi.
Từ giữa tháng 6 đến nay địa bàn Quảng Trị đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Gần nhất, ngày 22.6, có 5 ha rừng tràm và rừng thông của người dân tại HTX Tân Vĩnh (P.Đông Lương, TP.Đông Hà) cũng bị thiêu rụi.
Phạm Đức - Nguyễn Phúc
|
Trẻ nhỏ nhập viện gia tăng
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), những ngày gần đây, mỗi ngày tiếp đón gần 3.000 trẻ đến khám, hầu hết số trẻ đến khám đều do mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, tiêu hóa hoặc sốt vi rút. Bác sĩ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, lưu ý nắng nóng cũng là thời điểm gia tăng các ca viêm màng não. Trong những ngày đầu nắng nóng, có thời điểm khoa tiếp nhận 4 - 5 ca viêm não, viêm màng não do vi rút, bác sĩ khuyến cáo, người dân, nhất là trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan tổn thương hệ thần kinh co giật, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cho hay từ 5 giờ sáng bệnh nhân đã đến rất đông. Bác sĩ Lương Quốc Chính, công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo về nguy cơ sốc nhiệt (say nắng) - tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Đối tượng dễ bị say nóng, say nắng là người già, trẻ em, những người lao động, luyện tập với cường độ cao, ở ngoài trời nắng lâu.
Tại Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện T.Ư Huế, vài ngày qua lượng bệnh nhi đến khám, nhập viện tăng so với ngày thường, riêng tại khoa nhi tổng hợp có khoảng 100 trẻ điều trị nội trú, tăng 20 - 30% so với trước.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lưu ý nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp, dễ gây nhiễm lạnh, viêm phổi…
Liên Châu
|
Bình luận (0)