Nắng nóng gay gắt: Làm gì để bảo vệ sức khỏe, hạn chế sốc nhiệt?

Lê Cầm
Lê Cầm
02/05/2024 11:59 GMT+7

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, người dân cần hạn chế ra đường trong những khung giờ cao điểm, bổ sung đủ nước, không chuyển môi trường đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại...

Tránh để cơ thể hạ nhiệt đột ngột

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) chia sẻ, nhiều người có thói quen khi đang ở ngoài trời nắng nóng thì bước vào phòng có máy lạnh ngay hoặc ngược lại. Điều này làm tăng nguy cơ sốc nhiệt bởi môi trường ở nhiệt độ cao cơ thể đổ nhiều mồ hôi, các lỗ chân lông trên da mở ra rồi tiếp xúc môi trường ở nhiệt độ thấp nhanh sẽ dễ bị cảm lạnh.

Ngoài ra, nên hạn chế tắm ngay sau khi cơ thể đang đổ mồ hôi nhiều, vì sẽ gây ra triệu chứng cảm lạnh. Hạn chế điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh quá thấp vì dễ gây ra triệu chứng nghẹt mũi, viêm mũi họng, viêm mũi xoang.

"Đặc biệt, người lớn tuổi, người có sức khỏe yếu dễ bị sốc nhiệt dẫn đến ngất xỉu, choáng váng... Do đó, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, không bị sốc nhiệt, khi ở ngoài vào phòng thì phải bật máy điều hòa nhiệt độ lạnh từ từ hoặc ngồi nghỉ ngơi một khoảng thời gian ở chỗ mát rồi vào phòng lạnh", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Không nên thay đổi môi trường đột ngột từ nóng sang phòng máy lạnh nhiệt độ thấp

Không nên thay đổi môi trường đột ngột từ nóng sang phòng máy lạnh nhiệt độ thấp

LÊ CẦM

 Uống nhiều nước, bổ sung trái cây, rau quả

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, cần bổ sung nước lọc thường xuyên, ngay cả khi không cảm thấy khát. Khi cơ thể khát tức đã có dấu hiệu mất nước gây mệt mỏi, dễ gây kiệt sức, sốc nhiệt khi ra ngoài trời nắng nóng, nếu cơ thể thiếu nước.

"Ăn nhiều trái cây, rau quả tươi mát để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tránh uống nước ngọt có ga, bia rượu vì có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Hạn chế uống nước đá, vì khi uống nước lạnh sẽ tạo cảm giác đã khát làm hạn chế lượng nước tiêu thụ cho cơ thể", bác sĩ Niên chia sẻ.

Bổ sung nước đầy đủ kể cả khi không khát

Bổ sung nước đầy đủ kể cả khi không khát

LÊ CẦM

Hạn chế ra ngoài trời nắng nóng

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Nhật Vinh, Phụ trách Khoa liên chuyên khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Da Liễu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết cần tránh ra ngoài trời nắng gắt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy mặc quần áo sáng màu, rộng rãi, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Nên dùng kem chống nắng cho người lớn và cho trẻ em khi ra đường, nhất là các thời điểm nắng nóng gay gắt.

Bạn có đang dùng kem chống nắng đúng cách?

Bác sĩ Vinh cho biết cần nhận biết những dấu hiệu say nắng để có thể hỗ trợ người thân như: sốt cao, da khô nóng, nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, mất phương hướng, hôn mê… Nặng hơn có thể ngất xỉu, mất ý thức, co giật.

"Khi gặp những dấu hiệu trên, hãy đưa người thân của mình vào khu vực mát mẻ hoặc đưa tới các cơ sở y tế nếu tình trạng nặng hơn để được hỗ trợ kịp thời", bác sĩ Vinh cho hay.

Nếu cần thiết phải ra đường trong thời tiết nắng nóng nên mặc quần áo dài tay, đội mũ...

Nếu cần thiết phải ra đường trong thời tiết nắng nóng nên mặc quần áo dài tay, đội mũ...

LÊ CẦM

Giữ nhà cửa thoáng mát

Bên cạnh đó, bác sĩ Nhật Vinh chia sẻ khi ở nhà trong thời tiết nắng nóng, cần giữ nhà cửa thoáng mát, mở cửa sổ, cửa ra vào để tạo sự thông thoáng cho nhà cửa. Sử dụng quạt, máy lạnh đúng cách để điều hòa nhiệt độ trong nhà. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử sinh nhiệt quá nhiều.

Đối với trẻ em, cần chú ý không cho trẻ em ra ngoài trời nắng nóng quá lâu. Cho trẻ em mặc quần áo thoáng mát, đội mũ rộng vành, đeo kính râm khi ra ngoài. Bổ sung đầy đủ nước cho trẻ em. Quan sát trẻ em thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, nôn mửa, tiêu chảy.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.