Tiến sĩ Tushar Tayal, Bệnh viện CK Birla, Gurugram (Ấn Độ) cho biết, bệnh nhân tiểu đường phải cẩn thận vì nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường.
Chuyên gia dinh dưỡng và bệnh tiểu đường, Khushboo Jain Tibrewala (Ấn Độ), nhấn mạnh rằng bệnh nhân tiểu đường có xu hướng mất nước nhanh hơn những người bình thường và cũng có nhiều khả năng bị sốc nhiệt hơn.
Nguyên nhân chủ yếu là do các biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả. Tổn thương thận lâu dài cũng góp phần gây ra điều này. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt giữ mát trong những tháng mùa hè.
Tiến sĩ Shibani Ramchandran, từ Trung tâm chăm sóc sức khỏe Metropolis Healthcare (Ấn Độ) cho biết, lượng đường trong máu cao khiến tần suất đi tiểu tăng lên dẫn đến mất nước nhiều hơn. Nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin, điều này có thể gây ra biến động mức đường huyết nếu không được theo dõi thường xuyên, theo tờ Indian Express (Ấn Độ).
Mẹo cho người tiểu đường khi trời nắng nóng
Chú ý đến việc ăn uống: Uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước hoặc chất lỏng mỗi ngày.
Ăn thực phẩm nhiều nước như dưa chuột, xà lách, cà chua, dưa hấu, nước dừa, trái cây họ cam quýt hoặc nước ép rau xanh hỗn hợp.
Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên.
Để ý đến màu sắc của nước tiểu, phải trong hoặc hơi vàng. Nếu sẫm màu hơn có nghĩa là cần uống nhiều nước hơn.
Giảm uống rượu, tránh uống quá nhiều trà và cà phê.
Tập thể dục vào thời gian mát mẻ trong ngày.
Khi đi ra ngoài nắng, nên mặc quần áo rộng rãi, đội mũ, đeo kính, thoa kem chống nắng.
Tiến sĩ Ramchandran cho biết, một số loại thuốc điều trị các bệnh đi kèm khác, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, điều trị huyết áp cũng có thể gây mất nước do đi tiểu nhiều. Điều này cần được quan tâm để tránh bất kỳ biến chứng nào, theo Indian Express.
Bình luận (0)