Tại Singapore, Cơ quan Môi trường Quốc gia cho biết nước này đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C vào ngày 13.5, và tình trạng thời tiết khô nóng này sẽ còn tiếp diễn. Theo cơ quan này, mức nhiệt hôm 13.5 cũng vượt qua kỷ lục trước đó về nhiệt độ tháng 5 tại Singapore là 36,7 độ C, được ghi nhận vào năm ngoái, Bloomberg đưa tin.
Tại Malaysia, Thứ trưởng Bộ Y tế Lukanisman Awang Sauni ngày 13.5 cho hay Bộ Y tế nước này ghi nhận 14 trường hợp say nắng trong ngày trước đó và chính phủ dự báo số người bị say nắng sẽ tăng lên do nắng nóng có thể sẽ kéo dài đến tháng 8, theo hãng thông tấn nhà nước Bernama.
Đông Nam Á nắng nóng bao trùm, nhưng bão lớn có thể thường xuyên hơn
"Tình hình vẫn đang được kiểm soát và có thể được xử lý tại các cơ sở y tế. Các cơ sở và bệnh viện của Bộ Y tế đã sẵn sàng tiếp nhận những người bị say nắng và chuột rút do nắng nóng", ông Lukanisman nói.
Malaysia gần đây đã báo cáo về trường hợp một trẻ em tử vong do say nắng, dẫn đến việc Bộ Y tế phải đưa ra khuyến cáo cho công chúng.
Các nhà khoa học đã cảnh báo năm 2023 có thể sẽ là một năm nữa chứng kiến nhiệt độ cao nguy hiểm. Dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện trên khắp châu Á khi đợt nắng nóng bắt đầu từ tháng 4 tiếp tục lan rộng ở khu vực.
Dự báo về việc khan hiếm nguồn cung dầu cọ do nắng nóng thiêu đốt khiến các nhà đầu tư lo lắng vì gần như toàn bộ cây cọ dầu trên thế giới được trồng ở Đông Nam Á. Ủy ban Thường trực Hỗn hợp về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng của Thái Lan cũng cảnh báo rằng nguy cơ hạn hán do El Nino gây ra vào cuối năm nay có thể đẩy giá lương thực lên cao.
Với tình trạng biến đổi khí hậu, nắng nóng và bão lớn có thể xuất hiện thường xuyên hơn hoặc dữ dội hơn. Bangladesh và Myanmar đã sơ tán hàng trăm nghìn người trước khi siêu bão Mocha đổ bộ sáng 14.5.
Bình luận (0)