Theo AFP, một đợt nắng nóng kéo dài từ bang California đến bang Texas của Mỹ dự kiến sẽ đạt đỉnh giữa lúc Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo về một "cuối tuần cực kỳ nóng và nguy hiểm".
Arizona là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thành phố Phoenix, thủ phủ của bang, đã ghi nhận 16 ngày liên tiếp nhiệt độ trên 43 độ C, với nhiệt độ lên tới 43,8 độ C ngày 15.7 và được dự báo sẽ vượt mức 46 độ C.
Thung lũng Chết ở California, một trong những nơi nóng nhất trên trái đất, cũng có khả năng ghi nhận các đỉnh nhiệt mới vào ngày 16.7, với nhiệt độ có thể tăng lên 54 độ C. Nhiệt độ ở đây đã lên tới 48 độ C vào giữa trưa 15.7 và thậm chí mức thấp nhất vào đêm cũng có thể cao hơn 38 độ C.
Các nhà chức trách đã lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời vào ban ngày và cảnh giác với tình trạng mất nước.
Mùa hè nắng nóng ở châu Âu có ảnh hưởng đến ngành du lịch
Tại một công trường bên ngoài Houston, bang Texas, một công nhân 28 tuổi chỉ xưng tên là Juan cùng những người khác xây một bức tường dưới cái nóng như thiêu như đốt. "Ngay khi tôi uống nước, tôi bị chóng mặt, tôi muốn nôn vì nóng", anh nói với AFP.
Cơ quan thời tiết Las Vegas, bang Nevada (Mỹ), cảnh báo việc cho rằng nhiệt độ cao là chuyện đương nhiên đi kèm với khí hậu sa mạc của khu vực này là "một suy nghĩ nguy hiểm" vì "nắng nóng kiểu này không phải là nắng nóng điển hình của sa mạc".
Tại châu Âu, Ý phải đối mặt với những dự đoán về sóng nhiệt kỷ lục vào cuối tuần và Bộ Y tế nước này đưa ra cảnh báo đỏ cho 16 thành phố bao gồm Rome, Bologna và Florence.
Trung tâm thời tiết cảnh báo người dân Ý chuẩn bị cho "đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè và cũng là một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất mọi thời đại". Nhiệt kế có khả năng đạt 40 độ C ở Rome vào ngày 17.7 và thậm chí 43 độ C vào ngày 18.7, phá vỡ kỷ lục 40,5 độ C được thiết lập vào tháng 8.2007.
61.000 người tử vong trong đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu
Các đảo Sicily và Sardinia có thể phải oằn mình dưới nắng nóng lên tới 48 độ C và Cơ quan Vũ trụ châu Âu cảnh báo đây "có thể là nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu".
Thành cổ Acropolis ở thủ đô Athens, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Hy Lạp, sẽ đóng cửa vào những giờ nóng nhất của ngày 16.7 - ngày thứ 3 liên tiếp biện pháp này được áp dụng để bảo vệ du khách.
Tại Pháp, nhiệt độ cao và hạn hán kéo theo đang là mối đe dọa đối với ngành nông nghiệp, khiến Bộ trưởng Nông nghiệp Marc Fesneau bị các nhà khí hậu học chỉ trích hôm 15.7 vì nói rằng tình trạng này là "bình thường" trong mùa hè.
Theo cơ quan thời tiết quốc gia Pháp, tháng 6 này là tháng nóng kỷ lục thứ nhì ở Pháp, và một số khu vực của đất nước đã được cảnh báo về sóng nhiệt kể từ ngày 11.7.
Thời tiết ở Tây Ban Nha cũng tương tự khi cơ quan khí tượng nước này hôm 15.7 cảnh báo rằng một đợt nắng nóng mới từ 17 đến 19.7 sẽ mang đến nhiệt độ trên 40 độ C cho quần đảo Canary và khu vực phía nam Andalusia.
Tại châu Á, các khu vực phía đông Nhật Bản cũng dự kiến sẽ đạt nhiệt độ 38 đến 39 độ C vào ngày 16 và 17.7, với cảnh báo của cơ quan khí tượng rằng nhiệt độ có thể vượt qua các kỷ lục trước đó.
Bình luận (0)