Nam Âu đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ có thể phá kỷ lục hiện tại của châu Âu - 48,8 độ C được ghi nhận ở Sicily (Ý) vào tháng 8.2021, theo Reuters.
Ở Athens, chính quyền đã đóng cửa đồi Acropolis, nơi có đền Parthenon thu hút hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, từ trưa đến 17 giờ ngày 14.7. Cơ quan khí tượng của Hy Lạp dự báo nhiệt độ sẽ đạt đỉnh 41 độ C ở Athens vào giữa trưa, nhưng nhiệt độ tại đồi Acropolis thường cao hơn những khu vực khác ở thủ đô Hy Lạp do nằm trên cao và thiếu bóng râm.
Sóng nhiệt châu Âu đang nguy hiểm đến mức nào?
Bộ Bảo vệ công dân Hy Lạp ngày 14.7 đã cảnh báo về nguy cơ cháy rừng ở 5 khu vực và yêu cầu người dân tránh mọi công việc như đốt cỏ dại vì có thể gây ra hỏa hoạn.
Tại Croatia, 56 lính cứu hỏa với 20 phương tiện và 3 máy bay đã nỗ lực ngăn chặn đám cháy rừng lan nhanh hôm 13.7 do gió nam mạnh gần thành phố Sibenik ven biển Adria.
Ở bên kia biển Adria, người dân Ý đang lo ngại về thời tiết những ngày tới, khi sóng nhiệt được dự báo sẽ gia tăng cường độ và nền nhiệt có khả năng sẽ tăng lên trên 45 độ C vào tuần sau ở khu vực trung tâm và phía nam đất nước.
Các nhà khí tượng học Ý gọi giai đoạn tiếp theo của đợt nắng nóng là "Charon", tên người lái đò chở người chết trong thần thoại Hy Lạp. Giai đoạn nắng nóng tuần này được gọi là "Cerberus", tên con chó ba đầu ở âm phủ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), với hệ thống vệ tinh theo dõi nhiệt độ trên mặt đất và trên biển, đã cảnh báo rằng Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan đều đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.
Tác động của nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè đã trở thành tâm điểm chú ý tuần này sau khi một nghiên cứu cho biết có thể có tới 61.000 người đã chết vì nắng nóng trên khắp châu Âu vào mùa hè năm ngoái.
Tác phẩm trưng bày "kinh dị" trăn nuốt chuột lang cũng sợ trời nóng
Giáo sư Joan Ballester tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha), cho biết Pháp đã rút ra được bài học từ đợt nắng nóng chết người năm 2003 mà các nước như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể học theo.
"Có những biện pháp tương đối rẻ, chẳng hạn như điều phối các tổ chức cộng đồng, đồng thời thực hiện điều tra dân số dễ bị tổn thương... Nhưng có những biện pháp tốn kém hơn nhiều, chẳng hạn như thiết kế lại các thành phố để cải thiện điều kiện nhà ở", ông Ballester, đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, cho biết.
Bình luận (0)