Giảm bê tông, tăng mảng xanh, hồ điều hòa
Ngày 6.5, nhiệt độ cao nhất được xác lập tại H.Quan Hóa (Thanh Hóa) là 44,1 độ C. Tại thủ đô Hà Nội, 6.5 là ngày lập hạ, một số trạm biến áp tại khu vực trung tâm ghi nhận nhiệt độ ngoài trời lên tới 46 độ C. Giữa nắng nóng này, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cho biết những người "lính truyền tải" được tăng cường kiểm tra vận hành thiết bị, kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố để bảo đảm hệ thống truyền tải điện vận hành an toàn trong bối cảnh sử dụng điện tăng cao. Nếu lượng điện tiêu thụ trung bình tại Hà Nội trong tháng 4 khoảng 72 triệu kWh/ngày thì ngày 5.5 đã vọt lên 78,23 triệu kWh.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan, mức nhiệt cao nhất ở miền Trung năm nay có thể lên tới 45 độ C. Xu hướng nắng nóng ngày càng gay gắt là do biến đổi khí hậu làm trái đất ngày càng ấm và bất thường hơn. Đáng chú ý là nhiệt độ cảm nhận, tức nhiệt độ thực tế mà con người tiếp xúc, thường cao hơn 5 - 6 độ C.
Dù nhiệt độ tại TP.HCM và các đô thị lớn khác không chạm ngưỡng 40 độ C, nhưng nhiều người vẫn có cảm giác "nắng cháy da" vì nhiệt độ cảm nhận thường xuyên ở mức 42 - 43 độ C. Thế nên, chỉ trong vòng 15 ngày đã liên tục lập 4 "kỷ lục" về lượng điện tiêu thụ mỗi ngày. Ngày 6.5, kỷ lục mới nhất với lượng điện năng tiêu thụ toàn TP.HCM lên tới 94,802 triệu kWh, vượt đỉnh mới thiết lập 1 ngày trước đó là 94,434 triệu kWh (ngày 5.5).
Trước tình hình trên, Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ C trở lên, kết hợp với quạt điện) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Đặc biệt tại miền Bắc, theo EVN, trong những tháng hè từ tháng 5 - 7, công suất tiêu thụ điện có thể tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái. Trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra và mực nước các hồ thủy điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600 - 4.900 MW điện trong các tháng 5 và 6.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), giải thích: Mức độ đô thị hóa cao, hay nói đúng hơn là bê tông hóa nhiều, trong khi các hệ thống điều hòa, làm mát tự nhiên như cây xanh hay ao hồ quá ít. Do đó, ban ngày nắng chiếu vào các khối bê tông, toàn bộ nhiệt được hấp thụ và giữ lại, đến chiều tối khi trời mát thì nhiệt nhả ra dần làm cho nhiệt độ thường ở tình trạng cao hơn nhiệt độ khí tượng rất nhiều. Bên cạnh đó, để làm mát, chúng ta sử dụng các thiết bị làm lạnh và những thiết bị này lại bổ sung nhiệt vào tự nhiên. Chưa kể các phương tiện giao thông cũng góp phần bổ sung nhiệt cho các đô thị. "Tại các đô thị, chúng ta thiếu cơ chế giải nhiệt mà chỉ có những yếu tố bổ sung nhiệt, nên cái nắng nóng càng thêm khó chịu", TS Tuấn nói.
Theo ông Lê Anh Tuấn, để tránh biến các đô thị lớn thành các "chảo lửa", quy hoạch phải bắt buộc tăng diện tích cây xanh, công viên, hồ nước, bảo vệ các hành lang xanh tự nhiên bằng việc hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích khác như thương mại dịch vụ. Thay vì phát triển TP theo kiểu lan tỏa từ trong ra ngoài vùng ven thì phát triển theo hình thức đô thị vệ tinh để giãn mật độ dân số ở khu trung tâm. "Về kỹ thuật, để giảm hiện tượng hấp thụ nhiệt và đảo nhiệt đô thị, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng hình thức hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào thời điểm nắng nóng. Điều này cũng giống như hình thức hạn chế phương tiện giao thông vào giờ cao điểm. Khuyến khích việc xây dựng các công trình mới phải có những giải pháp giảm hấp thụ nhiệt, tiết kiệm điện năng, sử dụng các vật liệu mới thân thiện môi trường", ông Tuấn nhấn mạnh.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 8.5: Điểm danh doanh nghiệp bất động sản lãi đậm | Uniqlo lao đao tại Nga
Tăng sử dụng điện tái tạo, giảm hấp thụ nhiệt cho các tòa nhà
Chuyên gia năng lượng, TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, cho rằng nắng nóng đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. VN với tốc độ phát triển như hiện nay, mật độ khí nhà kính tăng là một trong những lý do khiến nhiệt độ tại nhiều nơi đang tăng qua mỗi năm.
Ông Trần Văn Bình cho biết, 2022 là một năm phá kỷ lục mới về mật độ khí nhà kính, nhiệt độ bất thường, cháy rừng và lượng mưa... tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu được công bố trong tháng 4 qua cho thấy, bức xạ mặt trời trên khắp châu Âu đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Để đối phó với điều này, các nước Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan… đã đưa ra nhiều cách như sơn trắng mái nhà ở các vùng nắng nóng để phản chiếu ánh nắng mặt trời, trồng cây lấy bóng mát. Ở Pháp, nhiều địa phương xây đài phun nước tại khu vực công cộng và tạo nhiều mảng xanh hơn ở các khu vực TP, thay đổi vật liệu sử dụng cho các tòa nhà… để giảm bức xạ nhiệt. Tại các TP lớn, phải cấp tốc trồng cây xanh để giảm thiểu độ bức xạ nhiệt.
Theo dự báo của EVN, năm nay diễn biến thủy văn không thuận lợi như năm 2022. Hiện nước về các hồ thủy điện chỉ bằng 70 - 90% so với trung bình nhiều năm. Ước tính sản lượng còn lại trong hồ thủy điện trên toàn hệ thống là 4,5 tỉ kWh, thấp hơn 4,1 tỉ kWh so với cùng kỳ 2022. GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, cho rằng sản lượng điện tại các nhà máy thủy điện phía bắc đang giảm là điều đáng lo ngại. Chính vì vậy, chúng ta nên phát triển các nhà máy thủy điện tích năng, là các nhà máy vừa tích điện, vừa phát điện, có khả năng phối hợp tốt với điện mặt trời (ĐMT). Khi nhiều ĐMT, các nhà máy này sẽ dùng năng lượng ĐMT để bơm nước lên, tích lại dưới dạng thế năng của thủy điện. Đến khi không có ánh nắng mặt trời thì xả nước ra để phát điện, hình thành nên một hệ thống tuần hoàn khép kín. Cái này ở VN phát triển còn rất yếu dù quy hoạch đã có từ lâu. Hiện Trung Quốc có ít nhất 2 nhà máy thủy điện tích năng, Ấn Độ có 6, Pháp có 7, Đức khoảng 10 nhà máy, Nhật trên 15 nhà máy... và hầu hết tiểu bang nào ở Mỹ cũng có nhà máy thủy điện tích năng.
TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn, Bình Định) kiến nghị: Cần bổ sung nguồn tại chỗ bằng chính sách khuyến khích ĐMT trên mái nhà nối lưới. Nhiều nước trên thế giới đã chuyển đổi qua năng lượng tái tạo bởi đây là giải pháp tốt mà cả xã hội có thể cùng chung tay để giải quyết cả vấn đề nguồn cung điện và giảm hấp thụ nhiệt cho các tòa nhà. "Qua thực tế, tôi biết nhu cầu của người dân rất cao và sẵn sàng tham gia đầu tư mà không cần tính giá bán điện cao để có lời, chỉ cần có thể sử dụng điện xuyên suốt và linh hoạt. ĐMT áp mái sẽ giải quyết một phần vấn đề về nguồn cung điện", TS Khiêm cho biết.
"Năng lượng của nước ta trong tương lai "trông cậy" rất lớn vào nguồn tái tạo. Thủy điện cạn kiệt, điện than giảm dần theo dự thảo Quy hoạch điện 8. Điện tái tạo đang thừa công suất nhưng chập chờn do không có pin dự trữ… Chính sách về điện tái tạo cần quyết liệt, mạnh mẽ, rõ ràng hơn để cả nhà nước và nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài và phát triển bền vững".
TS Trần Văn Bình, chuyên gia năng lượng
Bình luận (0)