Điện tăng, giá hàng hóa có tăng?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/05/2023 07:08 GMT+7

Giá điện tăng ngay mùa nắng nóng khiến nảy sinh nhiều lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ tăng mạnh trong những tháng tới. Tuy nhiên, khó xảy ra nguy cơ mặt bằng giá cả hàng hóa bị tác động và từ đó ảnh hưởng tới lạm phát.

Tăng không nhiều nhưng vẫn khó

Ngày 4.5 vừa qua, Tập đoàn điện lực VN (EVN) chính thức áp dụng tăng giá bán lẻ điện bình quân trên toàn hệ thống, mức tăng tương đương 3% so giá điện bình quân áp dụng từ năm 2019 đến ngày 3.5. Cùng ngày, Bộ Công thương công bố biểu giá điện mới tại Quyết định 1062 căn cứ trên giá điện bình quân tăng. Theo đó, ước tính hóa đơn tiền điện của hộ sản xuất sẽ tăng thêm 307.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh, dịch vụ tăng thêm 141.000 đồng/tháng; hộ sử dụng điện sinh hoạt đến 200 kWh/hộ/tháng tăng 11.100 đồng/tháng (hiện có hơn 36% số hộ sử dụng điện sinh hoạt ở mức này); hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng tăng 27.200 đồng/hộ.

Điện tăng, giá hàng hóa có tăng ? - Ảnh 1.

Giá điện tăng trong mùa nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện tăng kép nhưng giá cả hàng hóa nói chung khó tăng theo

PHẠM HÙNG

Bà Nguyễn Thái Trang, chủ cơ sở thời trang D&T (TP.HCM), cho hay hóa đơn tiền điện của cơ sở trung bình 17 - 18 triệu đồng/tháng, có thời điểm tăng ca để kịp đơn hàng, hóa đơn có thể tăng lên khoảng 23 triệu đồng/tháng. Với giá điện bình quân tăng 3%, tiền điện của cơ sở tăng thêm khoảng 540.000 - 700.000 đồng/tháng. 

"Mức tăng này không quá lớn đối với một cơ sở sản xuất quy mô 60 thợ của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã xác định rồi nên không có ý kiến. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất là mức tăng 3% có vẻ như "bước đệm" cho một đợt tăng giá tiếp hay không. Bởi hồi tháng 3.2019, giá điện tăng đến 8,5% chỉ sau hơn 1 năm. Những năm trước nữa, mỗi lần tăng đều mức 5 - 7%, thậm chí năm 2011, sau điều chỉnh, hóa đơn tiền điện tăng vọt hơn 15% so với giá năm 2010. Nếu giá điện tăng tiếp trong giai đoạn làm hàng tết thì chết", bà Trang lo lắng.

Giá cả hàng hóa khó tăng

Giá các mặt hàng cơ bản có chiều hướng giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu kéo giảm cầu sản xuất, bao gồm cả giá năng lượng như than/xăng dầu - yếu tố chính chi phí đẩy - cũng đang giảm mạnh. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu dừng tăng lãi suất từ nay đến cuối năm nên khả năng biến động đồng USD cũng không cao. Thậm chí có thể giảm do yếu tố khủng hoảng tài chính Mỹ. Trong khi đó, cầu tiêu dùng trong nước có dấu hiệu khả quan hơn nhưng cũng chưa thể gây áp lực mạnh mẽ lên chỉ số giá tiêu dùng, do thu nhập thực tế khu vực DN vẫn giảm. Đơn hàng chưa tăng và chưa kể từ năm ngoái đến nay, có gần 500.000 người mất việc làm, dẫn đến tâm lý thắt lưng buộc bụng lan rộng. Thế nên, giá cả hàng hóa trong thời gian tới khó biến động tăng, theo đó, lạm phát trong 2 quý tới khó xảy ra.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh, cho biết ngành cơ khí sử dụng điện nhiều nhất, việc tăng giá điện trong thời điểm này dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN). Trung bình hóa đơn tiền điện tại công ty khoảng 200 - 250 triệu đồng/tháng. Với lần tăng giá này, mức tăng thêm cao nhất khoảng 7,6 triệu đồng/tháng. 

Thừa nhận với một DN sản xuất tiêu thụ điện năng lớn, con số tiền điện tăng thêm 7,5 triệu cho một tháng lúc này có thể không nhiều, nhưng theo ông Tống, trong bối cảnh DN sản xuất, kinh doanh đang gặp quá nhiều khó khăn, các chi phí được tính toán giảm thiểu đến mức thấp nhất thì việc tăng lúc này là tăng "độ khó" cho DN, lợi nhuận sẽ giảm nhiều. Chẳng hạn, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn bán hàng đối với DN sản xuất thép, cơ khí. Tiền điện tăng thêm 3% sẽ kéo giá vốn bán hàng tăng, theo đó lợi nhuận trước thuế của DN giảm khoảng 15%. 

"Chi phí điện kéo lợi nhuận của DN giảm là chắc chắn. Nếu muốn giữ mức lợi nhuận, buộc phải tăng giá bán. Mà tăng giá bán ra lúc này là khó như bắc thang lên trời. DN tìm từng đơn hàng đã khó, giữ khách hàng càng khó hơn, ai dám tăng giá bán lúc này. Nên nhìn một cách tổng thể, tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của DN sản xuất tăng, làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Tôi không phản đối tăng giá điện, nhưng thấy tăng lúc này chưa đúng thời điểm do toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh đang quá khó khăn…", ông Tống chia sẻ.

Điện tăng, giá hàng hóa có tăng ? - Ảnh 3.

Giá điện tăng trong mùa nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện tăng nhiều hơn nhưng khó xảy ra lạm phát

NHẬT THỊNH

Hóa đơn tiền điện tăng kép

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng 3% này sẽ tác động không nhiều đến khách hàng đang mua điện trực tiếp từ EVN. Nếu nhìn vào tác động đến một số mặt hàng, tăng giá điện lúc này sẽ ảnh hưởng không nhiều đến giá các mặt hàng sắt, thép, xi măng, giấy…

Thế nhưng, hóa đơn tiền điện trong thời gian tới lại tăng kép vì ngoài phần tăng cố định 3% thì còn có phần tăng vì thời tiết. Tháng 5 rơi vào mùa nắng nóng cao điểm kéo dài, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt sẽ tăng mạnh. Ngay sau khi có quyết định tăng nhẹ 3% giá điện bình quân, ngày 5.5, EVN cũng dẫn dữ liệu từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo những đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay. Đây là đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, thậm chí là đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên xuất hiện cả ba miền Bắc, Trung, Nam. 

Trong đó, khu vực Tây Bắc bộ, Trung bộ là vùng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao 37 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Các ngày 5 và 6.5 rơi vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm của đợt này, có khả năng xảy ra nắng nóng kỷ lục... Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số ngày nắng nóng năm 2023 có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những ngày có nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Về thời gian nắng nóng, miền Bắc tập trung từ tháng 5 - 8, cao điểm là tháng 6 và 7; miền Trung từ tháng 5 - 8, cao điểm là tháng 7. Các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2 - 4 ngày, có đợt dài hơn.

Quy hoạch điện 8 sẽ giảm mạnh điện than

Theo Bộ Công thương, Quy hoạch điện 8 đến năm 2030 có tổng công suất các nhà máy điện là 158.244 MW (không bao gồm xuất khẩu). Trong đó, thủy điện chiếm 18,5%, nhiệt điện than 19%, nhiệt điện khí trong nước 9,4%, nhiệt điện 14,2%, nhiệt điện gió trên bờ 13,8%, điện mặt trời 13% (được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất)… Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.005 - 573.000 MW, thủy điện chiếm 6,3 - 7,3%, không còn sử dụng than để phát điện, nhiệt điện sử dụng sinh khối 4,5 - 6,6%, điện gió ngoài khơi 14,3 - 16%... Như vậy, Quy hoạch điện 8 đã có lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (từ 2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.

Chị N.H (Q.4, TP.HCM), vừa trả tiền điện ngày 5.5 với hóa đơn 2,8 triệu đồng, cho biết chi phí tiền điện tháng này của nhà chị đã tăng khoảng 700.000 - 800.000 đồng so với trung bình khoảng 2 triệu đồng trước kia.

Đây cũng là nỗi lo của nhiều hộ gia đình trong kỳ thanh toán hóa đơn gần nhất. TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai, cho biết đợt nóng này diễn ra trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, vùng trung du Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiệt độ có thể lên đến 41 - 42 độ C trong ngày hôm nay (6.5). Như vậy, theo dự báo, trong thời gian từ tháng 5 - 8 rơi vào mùa nắng nóng, vấn đề hạn hán, thiếu nước, nhất là giai đoạn cuối năm 2023 đầu năm 2024 cũng được cảnh báo. Mùa hè nắng nóng gay gắt cũng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao. 

Đến nay, các tổng công ty điện lực thuộc EVN đều có những khuyến cáo liên tục đến người dân về các biện pháp tiết kiệm điện, đề phòng quá tải, cháy nổ trong mùa nắng nóng. Ngay trong tháng 4, chưa vào mùa cao điểm nắng nóng, nhưng hóa đơn tiền điện tại nhiều hộ gia đình đã tăng từ 10 - 20% so với tháng trước. Sắp tới được dự báo tăng cao hơn, cộng thêm mức tăng 3%, hóa đơn tiền điện trong mấy tháng tới sẽ tăng kép.

Điện tăng, giá hàng hóa có tăng ? - Ảnh 5.

Lạm phát khó xảy ra

Mặt khác, điều lo ngại nhất khi tăng giá điện chính là ảnh hưởng tới lạm phát. Thế nhưng nhìn trên cục diện chung, điều này khó xảy ra. Đầu tiên là giá các mặt hàng nhiên liệu khác đang giảm mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, trong quý đầu năm 2023, giá dầu thô chuẩn thế giới giảm gần 20 USD/thùng so cùng kỳ năm ngoái, trung bình 80 USD/thùng, trong khi quý 1/2022 lên đến 97 USD/thùng. Trong tuần qua, giá dầu tiếp tục giảm mạnh và do tác động từ lo ngại suy thoái kinh tế, nhu cầu giảm…, 

Ngân hàng Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu Brent xuống 75 USD/thùng vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, theo Trading Economics, hết quý 1/2023, giá than thế giới cũng giảm đến 56% so đầu năm và giảm hơn 60% so với thời điểm giá than cao nhất hồi tháng 9.2022. Giá khí cũng giảm đến 80% so cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chi phí đầu vào sản xuất điện và nhiều ngành khác đã "hạ nhiệt" trong năm nay. Trong nước, thuế giá trị gia tăng (VAT) đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ để Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% chậm nhất từ tháng 7 tới cũng hỗ trợ phần nào giá cả hàng hóa trên thị trường. 

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng tăng 3% giá điện bình quân có thể có tác động đến CPI nhưng không đáng kể, nhờ nhiều chi phí đầu vào khác đang giảm, giúp cân bằng chi phí đầu vào. Cụ thể, giá xăng dầu trong nước đang giảm mạnh so cùng kỳ ngoái. Sắp tới đây, thuế VAT cũng được giảm tiếp, khả năng sớm hơn mốc thời gian tháng 7 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Như vậy, Chính phủ vẫn lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi sản xuất kinh doanh của DN là cơ bản. Mặt khác, có nhiều yếu tố cho thấy áp lực lạm phát trong 2 quý tới chưa cao.

Phúc tra 100% hóa đơn điện tăng đột biến từ 30%

EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực phúc tra 100% hóa đơn tiền điện tăng đột biến từ 30% trong mùa nóng. Cụ thể, EVN vừa có chỉ đạo đến các tổng công ty điện lực về công tác hóa đơn tiền điện, dịch vụ khách hàng năm 2023, đặc biệt là các tháng nắng nóng. Trong đó, EVN yêu cầu các tổng công ty tiến hành phúc tra 100% các khách hàng có sản lượng tăng/giảm đột biến từ 30% trở lên so với tháng trước liền kề. Đối với các khách hàng đọc chỉ số công tơ trực tiếp ngoài hiện trường, có thể thực hiện kiểm tra, phúc tra đồng thời thông qua thiết lập cơ chế để nhân viên ghi chỉ số phải đọc và nhập lại chỉ số lần thứ hai trên phần mềm ghi chỉ số tại hiện trường. Kết quả phúc tra phải lập bảng kê phúc tra chỉ số có xác nhận bởi nhân viên phúc tra chỉ số và lãnh đạo đơn vị trên hệ thống CMIS. Đồng thời xử lý nghiêm việc ghi sai chỉ số công tơ, lập hóa đơn sai do các nguyên nhân chủ quan mà không phát hiện được khi ghi, kiểm tra, phúc tra. Thực hiện nghiêm việc cảnh báo các khách hàng có sản lượng tăng đột biến so với tháng trước.

Theo Tổng cục Thống kê, điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI. Nếu giá điện tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%, điện tăng 5% thì CPI tăng 0,175%. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho rằng tăng 3% là mức tăng khá thấp vì chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, còn mua điện từ nhà máy tua bin khí tăng 11,3%, rõ ràng bình quân giá điện đã tăng cao hơn mức 3%. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng điện nhiều như sản xuất thép, giá điện tăng khiến giá thành thép tăng khoảng 0,18%; giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%. Hộ sử dụng bình quân khoảng 200 kWh/tháng thì trả thêm khoảng 12.000 đồng cho một tháng tiêu dùng điện.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 8.5: Điểm danh doanh nghiệp bất động sản lãi đậm | Uniqlo lao đao tại Nga

Tuy nhiên, ông Thỏa thừa nhận việc điều chỉnh giá đầu vào lúc này dù ít hay nhiều cũng có tác động nhất định. Lo ngại nhất là một số hàng hóa âm thầm tăng giá theo. Thế nên, một mặt giữ ổn định vĩ mô, mặt khác, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Phải kiểm soát, bình ổn giá, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ đang sử dụng điện nhiều, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. "Kiểm soát giá cả, minh bạch công khai trong niêm yết giá, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, nếu có biến động giá sẽ cho kiểm tra ngay", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.