Nắng nóng lịch sử tháng 8 xô đổ hàng loạt mốc kỷ lục

24/08/2021 09:27 GMT+7

Nắng nóng gay gắt kéo dài ở Trung bộ , Bắc bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi lên đến 41,1 độ C đã xô đổ nhiều mốc lịch sử để xác lập những kỷ lục mới.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ghi nhận, nắng nóng ở Bắc bộ, Trung bộ phá vỡ hàng loạt mốc kỷ lục lịch sử duy trì trong nhiều năm qua để xác lập những kỷ lục mới.

Nhiệt độ ở Đà Nẵng, Hà Giang, Ninh Bình cao nhất trong 40 năm qua

Trao đổi với Thanh Niên ngày 24.8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đợt nắng nóng kéo dài nhiều nơi ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ trong tháng 8 đã ghi nhận nhiệt độ cao vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ tháng 8 của nhiều năm trước đây.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở các tỉnh Trung bộ, nhiệt độ nắng nóng đo trong ngày 7.8 tại Hoài Nhơn (Bình Định) là 40,2 độ C, cao hơn mốc lịch sử năm 2019 là 40 độ C. Còn tại Đà Nẵng, nhiệt độ nắng nóng đo được là 40,2 độ C, phá vỡ mốc nhiệt độ cao nhất cách đây 44 năm (39,5 độ C ghi nhận trong tháng 8.1977).
Tại Tương Dương (Nghệ An) có nắng nóng 40 độ C, phá vỡ mốc kỷ lục lịch sử xác lập trong 37 năm qua, với 39,6 độ C ghi nhận trong năm 1984.
Trong các ngày 7 - 9.8, nắng nóng ở Tuy Hòa (Phú Yên) có nhiệt độ cao nhất 40,1 độ C; tại Hoài Nhơn (Bình Định) là 41,1 độ C; tại Tam Kỳ (Quảng Nam ) là 41 độ C; TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) 40,2 độ C cũng vượt các mốc nhiệt độ lịch sử ở các điểm nói trên từng thiết lập trong mùa hè năm 2019.
Ở các tỉnh Bắc bộ, trong ngày 6.8, nắng nóng tại Ninh Bình có nhiệt độ 38,2 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong 40 năm qua, cụ thể là năm 1981 với nhiệt độ là 37,9 độ C; tại Thái Bình là 36,9 độ C; tại Thái Nguyên là 38,5 độ C; Hoà Bình là 39,1 độ C (ngày 7.8); tại Lạng Sơn là 37,7 độ C (ngày 5.8), đều cao hơn mốc lịch sử thiết lập trong năm 1990.
Ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, trong ngày 5.8, nắng nóng tại Bắc Mê (Hà Giang) là 39,5 độ C cũng phá vỡ kỷ lục thiết lập trong 43 năm qua, cụ thể là năm 1978 với 39 độ C.
Nắng nóng trong ngày 7.8 tại Hà Đông (Hà Nội) là 39,6 độ C; tại Bắc Ninh là 39,4 độ C; tại Bắc Giang là 38,5 độ C; tại Vĩnh Phúc là 39 độ C, đều vượt các mốc lịch sử từng thiết lập trong năm 2019; còn tại Uông Bí (Quảng Ninh) là 37,3 độ C, cao hơn mốc lịch sử 37 độ C trong năm 2015.

Cường độ nắng nóng giảm dần từ tháng 9

Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng cho biết, đợt nắng nóng hiện tại ở các tỉnh Trung bộ, Bắc bộ bắt đầu từ ngày 26.7. Nắng nóng liên tục kéo dài, nếu tính đến ngày 24.8 thì các tỉnh Trung bộ đã trải qua 30 ngày nắng nóng. Còn tại các tỉnh Bắc bộ, nắng nóng chỉ gián đoạn trong ngày 1.8 nhưng sau đó đến ngày 2.8 nắng nóng trở lại và duy trì đến hết ngày 8.8.
Các tỉnh Trung bộ có nắng nóng liên tục là do trong thời gian qua không có hình thế gây mưa nên gây ra tình trạng liên tục ít mưa, cùng với đó kết hợp với hiệu ứng gió phơn gây ra tình trạng nắng nóng kéo dài.
“Ở các tỉnh Bắc bộ, từ ngày 23.8 đã xuất hiện mưa giông, nắng nóng đã chấm dứt. Nhưng ở các tỉnh, thành phố Trung bộ, nắng nóng vẫn còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Dự báo từ hôm nay 24.8, một rãnh áp thấp đi gây mưa qua khu vực Bắc bộ sau đó dịch chuyển dần xuống Trung bộ và gây mưa cho khu vực này. Khi đó, nắng nóng ở Trung bộ giảm dần về cường độ và nhiều khả năng đến ngày 26.8 đợt nắng nóng ở Trung Bộ sẽ kết thúc”, ông Hưởng nói.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, theo quy luật khí hậu, sang tháng 9 nhiệt độ trên cả nước đều có xu hướng giảm. Ở Bắc bộ, thời tiết nắng nóng chỉ còn xảy ra cục bộ một số nơi. Ở các tỉnh Trung bộ vẫn có khả năng xuất hiện các đợt nóng diện rộng nhưng thời gian ngắn, mỗi đợt chỉ vài ba ngày và cường độ không gay gắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.