Nắng nóng, lo hóa đơn tiền điện tăng mạnh

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/03/2024 06:32 GMT+7

Nắng nóng gay gắt kéo dài suốt nhiều ngày qua ở TP.HCM và khu vực Nam bộ khiến người dân và doanh nghiệp đều có chung nỗi lo hóa đơn điện tăng vọt.

Tăng dần đều từ tháng đầu năm

Mặc dù cường độ những ngày nắng nóng gay gắt trong tháng 3 đã có phần giảm nhiệt, nhưng nhiệt độ tại nhiều nơi vẫn duy trì mức cao đến 37 độ C. Bên cạnh nỗi lo thời tiết thì nỗi lo hóa đơn tiền điện tăng trong những tháng tới càng cao. Trả lời Thanh Niên, nhiều người "phập phồng lo" hóa đơn tiền điện tháng này sẽ tăng cao do thời gian sử dụng quạt, máy lạnh, tủ lạnh... tăng do nắng nóng kéo dài.

Nắng nóng, lo hóa đơn tiền điện tăng mạnh- Ảnh 1.

Nắng nóng gay gắt, dự báo hóa đơn tiền điện khu vực miền Nam trong thời gian tới sẽ tăng mạnh

H.HY

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 2 của gia đình tăng 13% so với tháng 1, dù trong tháng có 1 tuần cả đại gia đình đi du lịch vắng nhà. Theo dõi biểu đồ điện năng sử dụng điện của gia đình trên ứng dụng di động, chị Trang kể chỉ trong tuần qua, lượng điện tiêu thụ của gia đình tăng gần 23% so với tuần trước.

Hóa đơn tiền điện tháng 2 của hộ ông Lê Quang Minh (ngụ Q.11, TP.HCM) cao hơn tháng 1 khoảng 70.000 đồng (tăng gần 9%), từ 800.000 lên hơn 870.000 đồng. Tháng này, lo tiền điện tăng cao nên ông tiến hành đo lượng tiêu thụ điện trong nhà nửa đầu tháng 3 và kết quả là đã cao hơn 17% so cùng thời điểm tháng 1. Tương tự, hóa đơn tiền điện gia đình ông Lê Lâm (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) trong tháng 2 là 1,83 triệu đồng, cao hơn tháng trước 216.000 đồng. Hóa đơn gia đình anh Trương Quang Thắng (ở TP.Thủ Đức) tháng 2 gần 648.000 đồng, trong khi tháng 1 là 497.000 đồng…

Các hộ gia đình lo hóa đơn tăng, hộ sản xuất kinh doanh cũng phập phồng không kém. Tại H.Bình Chánh (TP.HCM), chủ xưởng may mặc M.M cho biết lượng điện tiêu thụ của xưởng tháng 1 là 7.823 kWh, tương đương số tiền trả hơn 18,154 triệu đồng. Sang tháng 2, xưởng nghỉ làm 14 ngày, chỉ làm việc 15 ngày nhưng tiêu thụ hơn 4.900 kWh điện, hóa đơn trả gần 11,4 triệu đồng. Bà N.T.M, chủ xưởng M.M, cho biết làm việc 15 ngày chỉ bằng một nửa thời gian của tháng 1 nhưng tiền điện tăng hơn 2 triệu đồng. "Sau tết, thời tiết nóng, nên xưởng bố trí thêm 2 quạt công suất mạnh đặt 2 đầu nhà xưởng, chỉ bật bổ sung vào những ngày nóng quá. Tiền điện tháng này chắc còn tăng dữ", bà nói.

Đại diện chi nhánh Công ty TNHH SX-TM T.N ở H.Hóc Môn (TP.HCM) chia sẻ hóa đơn tiền điện tính trung bình ngày trong những ngày cuối tháng 2 cao hơn gần 1.000 kWh/ngày so với trung bình ngày tháng trước do việc sử dụng điện làm mát nhà xưởng tăng đáng kể từ sau Tết Nguyên đán.

Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất: Hàng chục năm tập quen với cái nóng 50 độ C

Tiết kiệm là giải pháp quan trọng

Nỗi lo của người dân, doanh nghiệp về hóa đơn tiền điện cũng tương ứng với lượng điện tiêu thụ của ngành này. Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) thông tin: Trong tuần qua, có nhiều ngày nắng nóng, lượng điện nhận tăng mạnh so với mức bình quân ngày trong tháng. Dự báo sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3 sẽ tăng cao hơn 8,31% so cùng kỳ, khoảng 84,84 triệu kWh/ngày (bình quân ngày trong tháng 3.2023 chưa tới 75 triệu kWh/ngày). Nhưng nhiều ngày trong tuần, sản lượng tiến sát mốc 90 triệu kWh/ngày, có ngày 12.3 vọt lên gần 91,65 triệu kWh, ngày 13.3 cũng trên 90,6 triệu kWh...

Tại khu vực miền Nam (21 tỉnh thành) do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) quản lý, riêng sản lượng điện tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm nay tăng 15,01% so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, trong tuần qua, nhiều ngày có lượng điện tiêu thụ tăng vọt. Ước sản lượng điện nhận trên toàn hệ thống điện của Tổng công ty đang tăng khoảng 12,87% so cùng kỳ năm 2023…

Trước tình hình này, đại diện EVNHCMC tiếp tục đưa ra dự báo đáng lo ngại. Đó là sản lượng điện nhận bình quân ngày của các tháng từ tháng 4 - 6 tại khu vực TP sẽ tiếp tục tăng cao, đạt từ 84,3 - 87,6 triệu kWh/ngày. Đặc biệt, đỉnh điểm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày.

"Trên 95 triệu kWh/ngày sẽ là mức điện tiêu thụ cao nhất, chưa từng có trong lịch sử tại TP.HCM", vị này nói. Thực tế, năm ngoái, vào ngày 6.5, TP.HCM lập đỉnh tiêu thụ điện cao nhất từ khi có điện (tính đến thời điểm ngày 6.5.2023), trên 94,802 triệu kWh/ngày. Thế nhưng theo dự báo, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 này sẽ tăng hơn hơn 9,05% so với hết tháng 3.2023.

Các tỉnh thành phía nam dự báo tăng trưởng điện so với mức dự báo đầu năm, tăng khoảng 7%. Vì thế, nguy cơ thiếu điện vẫn thường trực. Hiện các doanh nghiệp, tổ chức có mức tiêu dùng điện lớn, từ 1 triệu kWh trở lên (khoảng 6.281 khách hàng) ký cam kết dịch chuyển phụ tải từ 5 - 10% ra khỏi các khung giờ cao điểm.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng các giải pháp giúp giảm áp lực hóa đơn tiền điện vào mùa nắng nóng cũng đã được nhiều nơi áp dụng. Trong thực tế, nếu khách hàng sử dụng điện lớn, sản xuất cả 3 ca mỗi ngày thì muốn dịch chuyển phụ tải rất khó. Chỉ có thể dịch chuyển vào giờ cao điểm, chẳng hạn, cho công nhân nghỉ ăn trưa sớm hơn, hoặc bắt đầu làm việc sớm hơn… Nếu dịch chuyển 1 - 1,5 tiếng thì không đáng kể so với khung giờ cao điểm trong ngày.

Điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng đưa vào sử dụng, bán cho các nhà xưởng lân cận là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, nguồn điện này cũng sẽ có lúc không ổn định, nhiều khi cũng phập phù, khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho điện mặt trời áp mái hòa lưới để sử dụng, hòa lưới để chia sẻ nguồn với nhà xưởng lân cận… đến nay chưa có. Chính sách chưa rõ ràng nên nhà đầu tư muốn làm điện mặt trời để dùng cũng chưa thể lắp đặt lúc này. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng nguồn điện lớn có thể tận trung để phát triển nguồn điện bio-gas, điện sinh khối…

Với điện sinh hoạt, việc mua sắm thiết bị điện mới có dán nhãn năng lượng 5 sao là điều cần thiết, đó là những sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao. Hộ gia đình cũng cần quản lý chặt phụ tải...

Đặc điểm của cách tính giá điện là càng dùng nhiều phải trả tiền càng đắt, tăng theo từng bậc một lũy tiến. Nếu sử dụng cao hơn 300 kWh/tháng, phải trả giá từ bậc 5 trở lên rất cao, trên 3.000 đồng/kWh, trong khi giá bậc 1 và 2 chỉ hơn 1.800 đồng/kWh. Cách tính giá điện theo bậc đối với một mặt hàng đặc biệt là điện nên khiến người dùng điện lo ngại vào mùa nắng nóng là có cơ sở. Vì vậy, càng dùng nhiều, giá điện càng đắt đỏ.

PGS-TS Ngô Trí Long (Chuyên gia kinh tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.