Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa đưa ra những khuyến cáo về thích nghi và bảo vệ bản thân dưới thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Nắng nóng gây say nắng và đột quỵ
Theo HCDC, TP.HCM và khu vực Nam bộ đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt. Nắng nóng không chỉ là một hiện tượng thời tiết, mà còn là một trong những biểu hiện rõ ràng của biến đổi khí hậu. Trái đất đang nóng lên, và sự gia tăng số lượng và cường độ của các đợt nắng nóng là một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng này.
Nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng bao gồm: say nắng (sốc nhiệt), say nóng hay đột quỵ.
Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, hoặc là do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Say nắng là gì ?
Theo các bác sĩ, say nắng hay còn được gọi là sốc nhiệt, là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (thường là trên 40 độ C) kèm theo các rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Các biểu hiện (giai đoạn) từ ngất, co thắt, kiệt sức và nặng nhất là say nắng.
Say nắng dẫn đến sự mất nước, nghĩa là thiếu hụt chất lỏng và điện giải thông qua việc đổ mồ hôi và tăng nhiệt độ cơ thể. Say nắng luôn có tỷ lệ tử vong cao và luôn là trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp.
Ai dễ bị ảnh hưởng do nắng nóng?
Theo HCDC, nhóm người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do nắng nóng là người già, trẻ em, phụ nữ, đây là những người có khả năng chịu đựng kém.
Người lao động ngoài trời, như: công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng… Người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép…
Người mắc các bệnh mãn tính: tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư…
Phòng ngừa các bệnh do nắng nóng thế nào?
Trước những tác động tiêu cực của nắng nóng, HCDC đã đưa ra những khuyến cáo cần thiết.
Nên uống đủ nước, uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
Hạn chế tiếp xúc với nắng nóng như tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ hằng ngày. Khi phải ra ngoài, hãy che chắn cơ thể khỏi ánh nắng bằng cách đeo khẩu trang, váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân. Chọn những chất liệu vải thông thoáng và dễ thấm hút mồ hôi.
Nghỉ ngơi và thích nghi với nhiệt độ, nếu đang ở trong phòng điều hòa, hãy tạo khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài trước khi ra ngoài trời.
Ăn uống hợp lý, như tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, có món canh trong bữa ăn hằng ngày. Tránh uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn.
Thường xuyên tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh.
HCDC Khuyến cáo đối với người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng
Bố trí thời gian làm việc, hãy làm việc vào những lúc trời mát nhất trong ngày, chẳng hạn vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nghỉ ngơi định kỳ, tức sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, hãy nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong 5 - 10 phút.
Bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng bằng cách hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân như mũ, nón, kính và quần áo bảo hộ lao động. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm hút mồ hôi. Có thể sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
Uống nước đều đặn, đủ trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người mất nhiều mồ hôi. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn.
Làm thoáng mát nơi làm việc bằng cách sử dụng mái che, tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa và phun gió.
Cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Ăn đủ thực phẩm như cá, thịt, trứng, rau và trái cây để tăng cường sức đề kháng. Tránh các thực phẩm có đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo…
Bình luận (0)