Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 21.1 - 20.2, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Riêng khu vực vùng núi phía bắc có nơi thấp hơn từ 0,5 - 1 độ C; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 1 - 2 độ C.
Nắng nóng xảy ra sớm tại miền Đông Nam bộ từ ngày 13 - 19.2, trong đó có nơi ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối vượt giá trị lịch sử đã từng quan trắc được, như TP.Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 20.2 ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày 31,9 độ C, cao hơn kỷ lục xuất hiện năm 1998 là 31,6 độ C; TP.Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 15.2 ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày là 38 độ C, cao hơn kỷ lục ghi nhận năm 2018 là 37,2 độ C...
Người lao động nhọc nhằn mưu sinh trong nắng nóng bất thường đầu năm
Dự báo, từ ngày 21.2 - 21.3, trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình cao hơn so với TBNN từ 0,5 - 1,5 độ C, riêng Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Trong thời điểm này, Bắc bộ và Trung bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và giông; riêng Đông Bắc bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn.
Không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta xen kẽ với hoạt động của rãnh khí áp thấp ở phía bắc với xu hướng hoạt động mạnh dần và tương tác với không khí lạnh. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sương mù, giông, lốc, sét, mưa đá.
Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, nhiều ngày nắng nóng và khô hạn còn kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Cơ quan khí tượng cho biết thêm, nửa cuối tháng 2 nắng nóng sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây Nam bộ và kéo dài trong tháng 3, tháng 4 đến nửa đầu tháng 5.
Tại tây bắc Bắc bộ và Trung bộ, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với TBNN.
Bình luận (0)