Nắng nóng xuất hiện nhiều, mưa đá có khốc liệt?

Đình Huy
Đình Huy
30/03/2024 15:08 GMT+7

Chuyên gia khí tượng cho biết, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa từ lạnh sang nóng (từ tháng 3 - tháng 5) hoặc ngược lại từ nóng sang lạnh (tháng 10 - tháng 11).

Trong 2 ngày 28 - 29.3, mưa đá, giông lốc tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại về người và tài sản khi 2 người bị thương, hơn 2.200 ngôi nhà tốc mái, hơn 2.000 ha hoa màu hư hỏng...

Nắng nóng xuất hiện nhiều, mưa đá có khốc liệt?- Ảnh 1.

Mưa đá trắng xóa ở Hà Giang ngày 28.3

CTV

Đây là hiện tượng thiên tai xảy ra thường niên, khi thời tiết chuyển mùa, đã được cơ quan khí tượng cảnh báo sớm.

Bà Lê Thị Loan, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa từ lạnh sang nóng (từ tháng 3 - tháng 5) hoặc ngược lại từ nóng sang lạnh (tháng 10 - tháng 11). Vì vậy, hiện tượng giông lốc và mưa đá xuất hiện ở một số tỉnh vùng núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong những ngày vừa qua là không bất thường.

Mưa đá xuất hiện từ miền Bắc đến miền Trung có phải bất thường?

"Năm 2024, chúng tôi đang nhận định hiện tượng nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, khi nền nhiệt độ cao và khí áp giảm thấp, vào thời gian chiều tối và tối hiện tượng giông thường xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tượng mưa đá thường chỉ xuất hiện trong những tháng chuyển mùa", bà Loan nói và cho hay mưa đá tập trung nhiều ở trung du và vùng núi, do địa hình núi cao, rừng đan xen là điều kiện lý tưởng cho đối lưu phát triển mạnh, hình thành mây vũ tích.

Bà Loan cho biết thêm, hiện nay, vùng áp thấp nóng phía tây đang phát triển và mở rộng về phía đông nam nên từ ngày mai 31.3 nắng nóng sẽ xuất hiện ở tây bắc của Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Từ ngày 1.4, nắng nóng sẽ mở rộng ra toàn khu vực Bắc bộ.

"Ngày 5 - 6.4, rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nóng phía tây sẽ bị nén và đẩy dịch xuống khu vực Bắc bộ bởi bộ phận áp cao lục địa ở phía bắc. Ngoài ra, còn kết hợp với hội tụ gió trên mực 5.000 m nên trong thời gian này, chúng tôi đang theo dõi và cảnh báo ở Bắc bộ khả năng sẽ xảy ra đợt mưa giông. Nắng nóng chấm dứt ở Bắc bộ và Trung bộ", bà Loan thông tin.

Theo bà Loan, do có sự tranh chấp của các khối không khí nóng và lạnh gây nên sự xáo trộn mạnh trong khí quyển nên trong mưa giông nhiều khả năng kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. 

Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết khuyến cáo, khi xuất hiện các dấu hiệu như mây đen kéo đến, gió mạnh, nhiệt độ không khí giảm mạnh, người dân đang đi ngoài đường nên dừng lại tìm chỗ trú ẩn, đội mũ bảo hiểm tránh trường hợp mưa đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục di chuyển để tránh trơn ngã. 

Cạnh đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố mái, những chỗ trọng yếu nên sử dụng vật liệu có thể chống chịu va đập. Mái nhà nên dốc xuống hai bên giúp giảm lực tác động từ mưa đá. Với hoa màu dễ bị nát dập, người dân có thể dựng giàn che dọc theo luống.

Xem nhanh 12h ngày 30.3: Giông lốc, mưa đá khiến nhiều cây xanh, cột điện gãy đổ ở Quảng Ninh

Cơ quan khí tượng dự báo, ngày 31.3, khu vực tây bắc Bắc bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 55%.

Ngày 1.4, tây Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45 - 50%. Khu vực đông Bắc bộ và Nam bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 55%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.