Năng suất của doanh nghiệp tư nhân ngày càng thụt lùi

31/05/2016 08:00 GMT+7

Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại hội thảo 'Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và nhu cầu hiện đại hóa thể chế' do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN tổ chức ngày 30.5 tại Hà Nội.

Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) Victoria Kwakwa nhắc lại một sự kiện mà bà cảm thấy ấn tượng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nhậm chức đã tổ chức ngay hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) toàn quốc. Điều đó cho thấy, Chính phủ đặt các DN tư nhân (DNTN) vào vị thế rất quan trọng trong quá trình đổi mới.
Bị vắt kiệt và đuối sức
Thế nhưng, điều mà vị lãnh đạo WB lo ngại là DNTN sẽ không thể tự bơi nếu không có được một hành lang pháp lý, một thể chế kinh tế hiện đại đúng nghĩa thị trường. “Chính phủ cần xây dựng một lực lượng DNTN mạnh mẽ, dẫn đầu trong nền kinh tế. Tạo ra đội ngũ doanh nhân nòng cốt kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao năng suất, giá trị để hướng tới phát triển. Vai trò của tư nhân là chìa khóa, then chốt để VN đạt được sự phát triển thịnh vượng”, bà Kwakwa khẳng định.
Có nhiều nguyên nhân năng suất thấp, do DN của chúng ta quy mô quá nhỏ, không lớn lên được. Những yếu tố tạo nên năng suất trước năm 2000 đã bị cạn kiệt, DN đuối sức, bị vắt kiệt. Cùng với đó, các yếu tố thị trường không được cải cách kịp thời cũng làm năng suất lao động bị mất đi
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Trước đó, chuyên gia này cũng lưu ý khu vực tư nhân hiện đang còn quá nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ mong manh trước bối cảnh hội nhập sâu rộng. Do đó, nhiệm vụ của Chính phủ cần định hướng kết nối họ với các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ ghi nhận, tạo điều kiện để DNTN dẫn dắt thị trường và cải cách thể chế làm rõ được giới hạn giữa bàn tay của nhà nước và sự điều tiết của thị trường.
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng cho rằng VN đang đứng trước ngã ba đường. Nếu cải cách nhanh chóng và đúng theo kế hoạch đặt ra thì 20 năm tới có thể đạt được mức tăng trưởng của Hàn Quốc trong những năm 2000 - 2001. Nếu không sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình như Ai Cập, Brazil...
Ông Lộc tỏ ra buồn rầu khi cả nước có đội ngũ doanh nhân đông đảo nhưng năng suất của nền kinh tế càng đi càng thụt lùi so với thập niên trước, đặc biệt từ năm 2003 đến nay. Theo một thống kê ở thời điểm năm 2000, năng suất của khu vực tư nhân VN cao hơn Trung Quốc nhưng đến năm 2004 chỉ bằng một nửa. “Có nhiều nguyên nhân năng suất thấp, do DN của chúng ta quy mô quá nhỏ, không lớn lên được. Những yếu tố tạo nên năng suất trước năm 2000 đã bị cạn kiệt, DN đuối sức, bị vắt kiệt. Cùng với đó, các yếu tố thị trường không được cải cách kịp thời cũng làm năng suất lao động bị mất đi”, ông Lộc phân tích.
Trước đó, bà Hằng cũng dẫn thống kê, đánh giá cho thấy DN gặp khó khăn, đuối sức khi ngoài các chi phí không chính thức ngày một cao thì các khoản thuế, phí cũng đang có xu hướng quay trở lại sau một vài năm giảm xuống. Các loại thuế phí chính thức chiếm khoảng 40% lợi nhuận của DN. Đây là một tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực.
Bắt tay với FDI
Chủ tịch VCCI khuyến cáo các DN nên chủ động hơn. Ông cảm thấy tiếc nuối khi cộng đồng DN chưa thực sự sẵn sàng vào cuộc hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào cải cách thể chế - dù đây là yếu tố tác động trực tiếp tới năng suất, hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. “Một số chính sách, pháp luật liên quan đến DN trước khi ban hành, VCCI tham vấn ý kiến nhưng rất buồn là không có DN nào phản hồi”, ông Lộc cho biết.
Sau phong trào quốc gia khởi nghiệp, ông Lộc đề nghị Chính phủ và DN cần tiếp tục một phong trào thứ hai “Quốc gia và DN năng suất”. Theo đó, không chỉ DN cần cải tiến khoa học, công nghệ; trình độ, nhận thức để nâng cao năng suất mà bản thân Chính phủ cũng phải có tinh thần khởi nghiệp hướng tới năng suất. Từ các bộ, ngành đến địa phương cần phải coi việc cải thiện năng suất trong quản trị, hoạt động... là phương châm, then chốt chìa khóa cho hội nhập, phát triển.

tin liên quan

Nhà nước phải để doanh nghiệp đứng lên vai
Sáng 26.3, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp T.Ư, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hội thảo 'Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp'.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng khẳng định vai trò quan trọng của tư nhân khi tham gia cải cách thể chế. Từng doanh nhân, DN cần phải xác định tư tưởng sẵn sàng tham gia phản hồi, đóng góp vào việc thay đổi chính sách, thủ tục hành chính... Ông cũng lưu ý thể chế không chỉ là chính sách pháp luật mà trong đó còn có cả các quy tắc, nguyên tắc mang tính thị trường. Những yếu tố này thường gây phiền hà, tạo ra các chi phí không chính thức khiến DN không nâng cao được sức cạnh tranh.
Từ góc độ doanh nhân, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Phú Thái, cho rằng bản thân các DN phải xem mình là chủ thể của quá trình hội nhập. Các DN khi ra biển lớn nên nhận thức quá trình này không cưỡng lại được và thực tế mang lại nhiều thuận lợi hơn thách thức. Các DN cần nâng cao trình độ, đặc biệt kỹ năng quản trị.
Những động thái bắt tay của DN trong nước và DN nước ngoài đang cho thấy một xu hướng đúng đắn, như thương vụ Vietnam Airlines bán 8,7% cổ phần cho ANA Holdings của Nhật, hay trước đó Ngân hàng Công thương bán cổ phần cho Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ... Theo ông Đoàn, xu hướng này cần phải được triển khai nhiều hơn nữa. Như vậy DN trong nước mới tận dụng được lợi thế, kinh nghiệm, công nghệ của các DN nước ngoài...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.