Tờ Khaosod dẫn nguồn tin từ giới chức Thái Lan cho hay năng suất lúa gạo thơm của mùa vụ này sẽ thấp hơn so với mùa trước từ 8-9%. Tuy nhiên, các nhà trữ lúa cho rằng lượng gạo thơm cung cấp cho thị trường giảm 20%, trong khi các nhà xuất khẩu tính toán sản lượng gạo giảm nhiều hơn so với số liệu của các nhà dự trữ, tức giảm đến 40%.
Thái Lan hằng năm sản xuất khoảng 8-9 triệu tấn gạo thơm, trong tổng sản lượng lúa thu hoạch được là 31 triệu tấn, tương đương hơn 20 triệu tấn gạo. Theo giải thích của giới chức nước này, năng suất gạo thơm nói riêng và gạo nói chung giảm là do ảnh hưởng của bão Sơn Ca, khiến lũ lụt kéo dài ở những khu vực trồng lúa, gây thiệt hại đáng kể đối với diện tích gieo trồng của cả Thái Lan.
Ông Thiti Lujintanon, Phó chủ tịch CP Intertrade, cho biết gạo trong nước đã bị tác động của thiên tai, giá gạo tăng lên 17.000 baht (gần 13 triệu đồng)/tấn so với mức giá trước đó là 11.000 baht (8,3 triệu đồng). Không chỉ gạo thơm, gạo trắng 5% tấm cũng đã tăng giá so với trước từ mức 6.000-7.000 baht lên 8.000 baht (6 triệu đồng)/tấn.
Hiện tại, giá gạo bán lẻ trong nước tăng 20% so với cuối năm 2017. Một bao gạo 5 kg bán trong siêu thị được niêm yết giá ở mức 250 baht (gần 190.000 đồng), so với mức giá trước đó là 210 baht (gần 160.000 đồng). Với tình hình này, giá gạo thơm xuất khẩu trên thế giới đã đạt mức 1.200 USD/tấn so với đầu mùa vụ trước chỉ ở mức 900 USD/tấn.
Ông Thiti dự đoán giá gạo cao sẽ kéo dài đến tháng 7 và 8.2018, có thể đến tháng 11.2018. Sau thời gian này tình hình sẽ thay đổi, tuy nhiên theo hướng nào chưa thể dự đoán kể cả vụ mùa tiếp theo. Điều này phụ thuộc vào nông dân, họ có kế hoạch chuyển đổi cây trồng hay không. Giới chức Thái Lan hy vọng nông dân sẽ chuyển đổi từ trồng lúa nếp sang tẻ khi thấy giá gạo cao. Nếu chiều hướng này xảy ra, sản lượng lúa mùa vụ tiếp theo sẽ được cải thiện.
Bình luận (0)