Năng suất lao động của VN đang ở mức rất thấp so với khu vực ASEAN. Nếu kéo dài tình trạng này thì đến năm 2038 VN mới bắt kịp Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan!
Giải pháp nào để tăng năng suất lao động là vấn đề được đưa ra “mổ xẻ” tại buổi tọa đàm do Tổng liên đoàn Lao động VN và Báo Lao động tổ chức ngày 14.10 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất VN, cho biết theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của VN năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. “Trong 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng năng suất lao động của VN chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Nếu không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của năng suất lao động sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và VN sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa”, ông Tuấn cảnh báo. Theo ông Tuấn, đây là dấu hiệu đáng lo ngại, nếu duy trì tình trạng này thì đến năm 2038 VN mới bắt kịp Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan.
“Có tăng nhưng chậm, chủ yếu tăng năng suất lao động nội bộ ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng chủ yếu do nguồn lực giá rẻ. Nhìn vào con số trên tôi thấy, năng suất lao động của VN không phải thấp mà là rất thấp, chúng ta không phải che giấu. Là một công dân VN, chúng ta phải thấy rằng đây là điều đáng hổ thẹn”, PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) nhận định, năng suất lao động là nguyên nhân chính kìm hãm năng lực cạnh tranh - chìa khóa của tăng trưởng kinh tế. VN đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế nếu như nhược điểm về năng suất của chúng ta không được khắc phục.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cho hay, các DN chủ yếu đi lên từ sản xuất nhỏ, kỷ luật lao động, đào tạo lao động kỹ thuật có tay nghề còn nhiều hạn chế. Những năm gần đây, VN chịu tác động nhiều bởi kinh tế thế giới; đời sống người lao động (NLĐ) do lạm phát không ổn định, giảm rất nhanh, dưới mức tối thiểu được hưởng dẫn đến động lực tăng năng suất lao động không có. “DN cần phải tăng lương, tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo trình độ kỹ năng kỹ thuật cho NLĐ”, ông Kiêm đề xuất.
PGS-TS Vũ Quang Thọ cũng cho rằng phải giải quyết được mối liên hệ giữa năng suất lao động và tiền lương. “DN phải giải quyết tiền lương trước, sau đó mới bàn đến năng suất lao động. Khi NLĐ còn đói, còn thiếu, còn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu thì không thể đòi hỏi họ cố gắng có những trí tuệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động và càng không thể đòi hỏi họ có những ý thức tốt hơn cộng tác với DN, nơi họ coi là ngôi nhà thứ 2”, ông Thọ nói.
Trách nhiệm của cả phía doanh nghiệp và người lao động
Ở góc độ DN, ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty CP super phốt phát và hóa chất Lâm Thao, thừa nhận: “Giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ không chỉ làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tích cực trong vấn đề xử lý môi trường, đảm bảo điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho NLĐ. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu tối ưu hơn trong quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm ngày càng chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời làm tăng năng suất lao động một cách hiệu quả”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đây là trách nhiệm của cả phía DN và NLĐ, trong đó DN phải chia sẻ lợi ích với NLĐ. Ông Tuấn nói: “NLĐ cần được trang bị công cụ, trang thiết bị tiên tiến, công nghệ cao. Có nhiều DN vùi dập thành quả cải tiến của NLĐ. Người chủ DN cho rằng quyết định của mình là trên hết, không tạo được động lực cho NLĐ phát triển những sáng kiến cải tiến. Nếu giữ cách làm này thì không thể phát triển, cần đề cao thành quả của NLĐ”.
|
Bình luận (0)