Sinh ra tại Q.2 (TP.HCM) nhưng Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi) sang Mỹ học từ năm 13 tuổi. Sau đó cô qua Đức lấy bằng đại học thứ hai rồi làm trong lĩnh vực thời trang tại Tây Ban Nha.
Với lợi thế thành thạo 5 thứ tiếng cùng tất cả sự chân thành và nhiệt huyết, trở về Việt Nam và hoàn thành cách ly 14 ngày, Ngọc Anh đăng ký đi tình nguyện cho công cuộc chống dịch Covid-19 ở P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM).
Không từ bỏ công việc tình nguyện
“Con đồng ý thuê trọ, xa gia đình một thời gian để cách ly bản thân. Nhưng con không từ bỏ công việc tình nguyện bởi “chống dịch như chống giặc”, mẹ nhé! Con cảm ơn và xin lỗi mẹ!”, đây là một trong những dòng nhật ký mà Ngọc Anh lấy đi nước mắt của nhiều người, nhận hàng ngàn lượt tương tác.
Cô đã viết về sự cố gắng thuyết phục những người liên quan ổ dịch bar Buddha đi cách ly phòng dịch. Dù đối mặt nguy cơ lây nhiễm (nếu một trong số những người được thuyết phục có bệnh Covid-19) nhưng Ngọc Anh vẫn giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Rất nhiều cư dân mạng đã để lại thông tin hoặc muốn liên hệ để làm công việc tình nguyện như Ngọc Anh.
|
Chia sẻ với PV Thanh Niên sau một ngày liên tục làm việc, Ngọc Anh cho biết cô bắt đầu công việc tình nguyện cách đây hai tuần. Mỗi ngày cô vận động hơn 20 người đi cách ly và đa phần là người nước ngoài. Cô chia sẻ: “Thời điểm này một số người không hiểu đúng thông tin và mất bình tĩnh, đó là điều mình sợ nhất. Còn nỗi sợ bị nhiễm vi rút thì có nhưng rồi lại thôi”.
Đối với nhiều người nước ngoài, Ngọc Anh luôn thể hiện sự thấu cảm của một người con xa xứ để động viên và đưa ra những con số thống kê thật logic về lợi ích của việc đi cách ly phòng dịch để thuyết phục họ.
Lần đầu thực hiện công tác vận động đi cách ly, Ngọc Anh rất bỡ ngỡ nhưng nhờ kiên nhẫn, những trường hợp tiếp theo cô đến động viên, mọi người đều đi cách ly dù nhiều khi cô bị họ chửi thậm tệ.
|
Ngọc Anh nhớ lại một trường hợp F1 (tiếp xúc bệnh nhân dương tính với Covid-19). “Đó là một Việt kiều tên L.D, không thành thạo tiếng Việt. Khi bộ phận y tế P.Thảo Điền, quản lý chung cư và mình lên phòng anh ấy gõ cửa, đứng giữ khoảng cách, nhưng anh ấy đã không đeo khẩu trang khi nói chuyện. Mình nói tiếng Anh với anh ấy, đề nghị anh đeo khẩu trang nhiều lần nhưng anh ấy không thực hiện mà còn cằn nhằn và nhảy lên, xúc phạm mình một cách rất tồi tệ. Mình cố nhịn, giữ sự chuyên nghiệp và nói tiếp để anh ấy hợp tác. Đến lúc đã hợp tác rồi, đi trong thang máy, anh ấy vẫn chửi mình liên tục”, Ngọc Anh kể.
“Đã cầm súng thì phải quyết tâm”
Ban đầu chỉ làm công việc thông dịch nhưng với sự nghiêm túc và khả năng của bản thân, Ngọc Anh dần có được lòng tin của mọi người nên cô được giao cả những trường hợp khó để thuyết phục và luôn xử lý thành công. Bên cạnh đó cô còn được tin tưởng giao dịch các chỉ thị, thu âm bản tiếng Anh phát lên đài trong P.Thảo Điền để tuyên truyền đến người dân.
|
Công việc không có lịch trình cố định, dù đang ngủ nhưng có cuộc gọi báo khẩn, Ngọc Anh bật dậy và đi đến tối mịt, đưa hết người đi cách ly thì cô mới về nhà, có hôm đến 3 giờ sáng. Cũng vì chế độ sinh hoạt thất thường, Ngọc Anh bị chứng đau bao tử trong những ngày qua, ảnh hưởng vóc dáng của một người mẫu thời trang, nhưng điều đó không còn quan trọng với cô gái trẻ này.
Ngọc Anh khẳng định: “Mình đã “cầm súng” rồi thì phải quyết tâm chống dịch thôi. Có nhiều người đã đi cách ly liên lạc với mình như bị khủng hoảng tinh thần nên mình phải làm dịu họ xuống. Mình tình nguyện làm điều này vì lo cho họ, mình muốn giảm căng thẳng cho các y bác sĩ trong khu cách ly”.
Còn đại diện P.Thảo Điền cho biết: “Ngọc Anh là tình nguyện viên luôn năng động và nhiệt tình. Phường rất cần những người giỏi ngoại ngữ như bạn giúp vận động người đi cách ly”.
Bình luận (0)