99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2024):

Nặng tình với nghề bán báo

Như Lịch
Như Lịch
21/06/2024 05:07 GMT+7

Đến những 'chợ báo' tại TP.HCM (điểm phân phối báo, lồng báo... trước những cơ quan báo chí), mới hay ngày mới của nhiều người bán báo bắt đầu từ 1 - 2 giờ sáng. Trong khi nhiều người còn say ngủ, họ cặm cụi đi chở báo về sạp bán hoặc giao báo cho những bạn hàng gần xa.

Yêu nghề sâu đậm

34 năm trong nghề bán báo, bà Trần Thị Ngọc Ánh (71 tuổi, ở P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) luôn khởi đầu ngày mới từ 1 giờ 30. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, bà chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường, ghé những "chợ báo" ở Q.3, Q.1, Q.Phú Nhuận... để thu gom hàng trăm tờ báo và tạp chí.

Nặng tình với nghề bán báo- Ảnh 1.

Hằng đêm, bà Trần Thị Ngọc Ánh cần mẫn đi chở báo

NGỌC DƯƠNG

Hình ảnh bà Ánh mảnh khảnh với mái tóc bạc trắng, đêm đêm lọ mọ ra đường chở những xấp báo nặng trên chiếc xe "cà tàng" dễ gợi lên niềm thương cảm, xót xa trong lòng người khác. Trái lại, bà Ánh bật cười vui vẻ nói về bản thân và công việc của mình: "Có người khuyên tui nghỉ hưu đi, vì năm nay tui đã 71 tuổi rồi. Trời ơi, nếu không làm nghề này thì tui buồn chết luôn chứ nghỉ hưu gì. Cầu trời cho tui được bán báo… đến hơi thở cuối cùng!".

Có người khuyên tui nghỉ hưu đi, vì năm nay tui đã 71 tuổi rồi. Trời ơi, nếu không làm nghề này thì tui buồn chết luôn chứ nghỉ hưu gì. Cầu trời cho tui được bán báo... đến hơi thở cuối cùng!

Bà Trần Thị Ngọc Ánh (71 tuổi, ở P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Bà Ánh vào nghề bán báo từ tháng 4.1990. Suốt chừng đó thời gian, bà mướn cửa hàng nhỏ tại số 8 Phan Văn Hân (sát bên chợ Thị Nghè, P.19, Q.Bình Thạnh) để bán báo, tạp chí...

"Những năm 2000 là thời đỉnh cao huy hoàng của báo giấy. Hồi đó, 6 - 7 giờ sáng mỗi ngày là giờ vàng, người ta mua báo đông nghẹt, nhiều khi mình tui bán không xuể. Hồi đó, hổng có báo giấy là người ta không chịu đâu. Bây giờ nhiều người đọc báo mạng, nhưng vẫn còn những người thủy chung với báo giấy", bà chủ sạp báo hoài niệm.

Hằng đêm đi hơn 5 "chợ báo", bà Ánh có mặt tại Báo Thanh Niên lúc 3 giờ sáng để nhận 135 tờ/ngày (số lượng thời điểm hiện tại). Bà chia sẻ: "Từ khi tui nói với cậu Nam, Trưởng phòng phát hành Báo Thanh Niên, là cái lưng tui bị đau thì các cô cậu ở đó luôn lồng báo sẵn và bưng báo ra xe cho tui, không ngày nào quên. Họ tử tế lắm, mỗi người giúp tui một kiểu. Hôm nào tui cũng thức khuya dậy sớm lại đằng báo, nhiều người nói 71 tuổi rồi sao còn vất vả dữ, mà tui không thấy vất vả gì vì đến đó thấy ấm áp, cảm kích".

Nặng tình với nghề bán báo- Ảnh 2.

Niềm vui bình dị của bà Ánh với nghề bán báo

Bà Ánh khoe nhờ làm nghề này nên bà được đọc báo... miễn phí suốt đời. Bà không chỉ coi tin tức, mà qua các con chữ, bà thấy phảng phất cái tâm và tính cách của người viết. Đặc biệt, từ một số bài viết trên các báo, bà Ánh dâng trào cảm xúc viết nên những bài thơ về các địa danh biên cương hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc như Trường Sa, Hoàng Sa, Vị Xuyên…

Thêm một điều bất ngờ, bà Ánh luôn bán báo giá rẻ hơn so với thị trường. Chẳng hạn, mỗi tờ Báo Thanh Niên có giá bìa 5.500 đồng, vậy mà bà chỉ bán 5.000 đồng. Bà tâm sự: "Hồi trẻ, tui đi xin việc quá gian nan và tuyệt vọng, nên đã nguyện: Cầu xin ơn trên cho con có được việc làm, sau này con chia sẻ lại với những người khó khăn. Tui không lập gia đình, chi tiêu chẳng bao nhiêu, nên vẫn sống qua ngày. Tui thấy áy náy với các bạn nghề vì bán giá như vậy, nên không dám nói ra. Nay tui bảy mấy tuổi, cuối cuộc đời rồi, cũng muốn giãi bày, xin lỗi, cảm ơn mọi người".

Nhớ ông chú thời dịch Covid-19 cầm 2 gói mì đổi tờ Báo Thanh Niên

Ông Võ Thanh Phước (56 tuổi, quê Long Xuyên, An Giang) là một trong những người bán báo kỳ cựu tại TP.HCM. Vào nghề từ năm 1987 ở tuổi xuân xanh cho đến giờ tóc đã bạc, ông Phước chia thị trường báo chí VN sau 1975 thành 3 giai đoạn: giai đoạn chưa có internet (bao gồm thời bao cấp và thời mở cửa), giai đoạn có internet, giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.

Nặng tình với nghề bán báo- Ảnh 3.

Ông Võ Thanh Phước vẫn sống được với sạp báo của mình

Theo ông Phước, thời bao cấp ai cũng khó khăn nhưng bán báo lại sướng, vì báo rất hiếm. Đến thời mở cửa, nghề bán báo là "sướng nhất" bởi có nhiều tờ báo và báo bán rất chạy. Thời internet bùng nổ và sau dịch Covid-19, thị phần báo giấy bị ảnh hưởng nặng. Hiến kế cho Báo Thanh Niên, ông Phước góp ý: "Bên báo cố giữ nội dung để vực dậy, vì nội dung quyết định tờ báo".

Nhìn lại 37 năm trong nghề, ông Phước nhận xét: "Tôi nhớ Báo Thanh Niên đưa tin bài nhanh nhất về sự kiện khủng bố ở Mỹ ngày 11.9.2001, nên lúc đó tờ báo này bán chạy nhất. Từ đó, Báo Thanh Niên càng được nhiều người biết đến".

Ông Phước cũng nhớ hoài câu chuyện một "ông chú" mua báo trong thời dịch Covid-19 bùng phát năm 2021. Trong những ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM, tự tin bản thân phòng chống dịch cẩn thận cộng với nỗi nhớ nghề, ông Phước vẫn mở sạp báo để phục vụ độc giả.

"Có một ông chú trên dưới 70 tuổi, mỗi ngày đem 2 gói mì ra đổi tờ Báo Thanh Niên về đọc, suốt hơn 1 tuần lễ. Ông muốn đổi thì tôi đổi, chứ thậm chí tôi tặng ông mấy tờ báo cũng được", ông Phước cho hay. Một khoảng lặng xốn xang, ông Phước kể tiếp: "Trước đó, ông chú thường xuyên mua Báo Thanh Niên. Nhưng sau dịch, tôi không còn thấy vị khách này ra mua báo, không biết dịch giã ông chú có sao không…".

Sạp báo của ông Phước tồn tại hàng chục năm trên đường Cống Quỳnh, Q.1. Từ năm 2007, ông chuyển sạp về góc đường Trần Phú - Nguyễn Văn Cừ, Q.5. Ông khẳng định TP.HCM có báo gì là sạp của ông gần như có đủ. Riêng Thanh Niên, hiện ông lấy 300 tờ/ngày để bán lẻ và phân phối lại một số sạp nhỏ.

Đúc kết chuyện nghề, ông Phước chia sẻ: "Với tôi, bán báo là nghề sung sướng trong xã hội. Tiếp xúc được nhiều người. Không đụng chạm xã hội. Giúp được nhiều người về thông tin, kiến thức. Giúp cho chính mình phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nhờ nghề bán báo, các con tôi được ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm". Rồi ông chốt lại: "Tôi đã có một sự nghiệp bán báo thành công!".

Nặng tình với nghề bán báo- Ảnh 4.

Một “chợ báo” ban đêm tại TP.HCM

Mưa gió gì cũng đi, đã quen nhịp sống từ 1 giờ 30 sáng 

34 năm qua làm đại lý bán báo, bà Trần Thị Diễm Phúc (quê Đà Nẵng, ở P.12, Q.10, TP.HCM) hiếm khi có giấc ngủ trọn đêm. Bởi chưa tới 2 giờ sáng, bà Phúc và những nhân viên đã tỏa đi các hướng để lấy báo gửi cho bạn hàng một số tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Hiện bà Phúc nhận 850 tờ Thanh Niên/ngày, nhiều nhất trong các loại báo mà đại lý của bà phân phối. Bà Phúc cho hay tuy thu nhập từ nghề này không bằng trước đây nhưng vẫn giúp bà và gia đình có cuộc sống ổn định. Bà lạc quan: "Nghề này ai không kiên trì là dễ bỏ lắm. Ví dụ người ta sợ trời mưa làm ướt báo, còn mình làm lâu nay quen rồi, mưa gió gì cũng đi. Nghề theo nghiệp, có gì đâu nản, làm thấy vui mà!". Yêu sâu đậm công việc bán báo, bà Trần Thị Ngọc Ánh cho hay bà chỉ nghỉ làm trong những trường hợp bất khả kháng như thời điểm dịch Covid-19 mấy năm trước, hoặc khi nhà có việc, hay có lần bà bị té phải dưỡng thương cả tháng. Nhưng những ngày đó, bà cũng thức dậy lúc 1 giờ 30 để pha cà phê và nôn nao chộn rộn như sắp ra đường đi chở báo...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.