Nâng vị thế người thầy bằng những chính sách cụ thể

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/11/2024 05:45 GMT+7

Hôm nay (20.11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Nhà giáo. Một ngày rất đặc biệt để các đại biểu góp ý với nội dung quan trọng, làm sao nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh bằng những quy định, chính sách cụ thể khi luật này ra đời.

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự luật này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu trên, phải để cho các thầy cô thấy được tôn vinh thực sự chứ không để luật ra rồi lại thấy khó khăn hơn.

BỚT ÁP LỰC NGOÀI BỤC GIẢNG

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục VN, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho rằng luật Nhà giáo được ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Luật này nếu có chất lượng tốt, khả thi sẽ là hành lang pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo. Cùng đó là những chính sách, chế độ xứng đáng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp; tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy tối đa sở trường, năng lực. Cần có chính sách thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

Nâng vị thế người thầy bằng những chính sách cụ thể- Ảnh 1.

Nhà giáo cần được tôn vinh bằng những quy định, chính sách cụ thể khi luật Nhà giáo ra đời

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cô Hoàng Thị Thủy, giáo viên Trường tiểu học số 1 xã Sín Chéng (H.Si Ma Cai, Lào Cai), chia sẻ không chỉ nghề giáo mà bất kỳ nghề nào có mức lương cao thì người lao động sẽ phấn đấu, nỗ lực cống hiến hết mình hơn cho công việc, sẽ cảm thấy nghề nghiệp của mình đang làm đúng là "nghề cao quý" như xã hội tôn vinh. "Tăng lương thu hút giáo viên trẻ vào nghề, giúp nhà giáo bớt lo cơm áo gạo tiền, gắn bó với nghề và chuyên tâm giảng dạy", cô Thủy cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đề nghị cần rà soát quy định tại các điều, khoản khác để làm đậm nét hơn các quy định về đạo đức nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo và việc bảo vệ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, nên bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác; các chế tài để xử lý vi phạm đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn. Đồng thời nghiên cứu, quy định trực tiếp tại dự thảo luật "phụ cấp thâm niên nhà giáo được bảo lưu khi nhà giáo chuyển công tác đến đơn vị, cơ quan khác vẫn thuộc ngành giáo dục, phụ cấp thâm niên nhà giáo không được bảo lưu nếu chuyển công tác ra khỏi ngành giáo dục".

Báo Thanh Niên trân trọng chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, cho biết hiện có gần 200 văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục, tuyển dụng, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp khác biệt so với các nghề khác để nhà giáo thể hiện được đúng vị thế, vai trò của mình. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.

Ông Đoạt cho rằng luật Nhà giáo cần làm rõ vị trí, vai trò, vị thế của nhà giáo, giúp nhà giáo hiểu rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ; làm rõ hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, thể hiện được tính chuyên nghiệp so với các nghề khác; xây dựng chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Nâng vị thế người thầy bằng những chính sách cụ thể- Ảnh 2.

Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

GHI NHẬN SỰ CỐNG HIẾN CỦA "NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐẶC BIỆT"

Chia sẻ với báo chí nhân ngày Nhà giáo VN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: "Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Chất lượng nhà giáo lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân mỗi thầy cô giáo, còn có vai trò của môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo như tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ, phát triển…".

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, phải khẳng định lực lượng nhà giáo luôn yêu nghề và mong muốn được xã hội chia sẻ, ghi nhận, để thể hiện tốt nhất bản thân, cống hiến cho nghề nghiệp và có cơ hội để thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp. Thời gian qua, luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản trị ngành, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, với tính chất là một lực lượng viên chức, người lao động đặc biệt, cần thêm những cơ sở pháp lý để ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của nhà giáo được thể chế hóa.

Với dự án luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 này, ông Sơn hy vọng với các chính sách được đề cập trong dự thảo luật khi được thông qua, được thực thi trong thực tế, sẽ là công cụ quan trọng để phát triển lực lượng nhà giáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới về cách tiếp cận, chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn, chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực để phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, phù hợp với sự đổi mới sâu sắc từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học. Đây cũng là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống, theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Nói về tính khả thi khi đề xuất xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, ông Nguyễn Kim Sơn lý giải: "Nước ta mới thoát nghèo chưa lâu, nhu cầu nguồn lực cho phát triển rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn. Cho nên, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng, nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.

Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo luật Nhà giáo, chúng tôi muốn nhấn mạnh lại, đây là việc cần thiết và cần tính toán. Trong thời gian qua, dù chưa thực hiện được nhiều, song với hai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo đã được cải thiện một bước, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Trọng thầy mới làm được thầy"

Tại buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo VN 20.11 vào ngày 18.11, trao đổi với sinh viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Thời đại tự do dân chủ và bình đẳng, các em không cần sợ hãi trước những người thầy, nhưng cũng không được "cá mè một lứa", làm mất truyền thống tôn nghiêm của đạo thầy trò. Các em cần tự tin, tích cực thể hiện và khẳng định bản thân trong học tập, nhưng vẫn phải giữ lễ, kính trọng những người thầy. Trọng thầy mới được làm thầy. Các giá trị tự do bình đẳng và sự kính trọng lễ phép, thầy ra thầy trò ra trò không hề mâu thuẫn với nhau".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.