Luật nhà giáo để giáo viên thật sự là lương sư

12/10/2024 12:21 GMT+7

Phiên họp 38, Quốc hội khóa XV, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây đã cho ý kiến lần thứ 2 với dự án luật Nhà giáo. Luật Nhà giáo nên tạo điều kiện để giáo viên phát triển sự nghiệp, cống hiến chứ không nên dừng lại ở những điều nhà giáo được và không được làm.

Luật nhà giáo giúp triệt tiêu những tiêu cực học đường

Luật Nhà giáo cần tạo điều kiện cần thiết để mỗi nhà giáo thật sự là lương sư. Trước hết, đầu vào trường sư phạm phải được tuyển chọn nghiêm ngặt; quá trình đào tạo chặt chẽ, siết chặt đầu ra.

Luật Nhà giáo cần đặt ra "nấc thang" con đường đi lên của nhà giáo để họ bước lên, cống hiến ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp "trồng người". Nếu chỉ dừng lại ở những điều nhà giáo được và không được làm thì chưa giải quyết thấu đáo. Vả lại, nội dung này có nêu trong luật Giáo dục 2019.

Luật nhà giáo để giáo viên thật sự là lương sư- Ảnh 1.

Luật Nhà giáo cần tạo điều kiện cần thiết để mỗi nhà giáo thật sự là lương sư

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Học đường, nơi nhà giáo công tác, phải là đỉnh cao của dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Như thế mới trân giữ và tỏa sáng truyền thống tôn sư trọng đạo. Vì thế luật Nhà giáo cần triệt tiêu những tiêu cực của giáo viên, nhà trường hiện nay có nguy cơ lan rộng, làm lung lay vị thế nhà trường, làm nhạt nhòa hình ảnh thầy cô. Đó là hiện tượng dạy thêm tiêu cực, day dứt bạo lực học đường, học giả bằng thật, bệnh thành tích, văn hóa học đường xuống cấp, lạm thu…

Luật nhà giáo và nghĩa vụ của phụ huynh học sinh

Nhà giáo thường xuyên làm việc với phụ huynh học sinh, nhà giáo thay đổi và phụ huynh cũng phải thay đổi. Luật Nhà giáo, nếu chỉ theo một chiều nhà giáo, thì chiều từ phụ huynh, nếu không được đề cập, liệu nhà giáo có "mười phân vẹn mười"?

Do đó, cần có một chương dành cho phụ huynh học sinh (người giám hộ) trong luật Nhà giáo. Để nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phụ huynh học sinh cần thực thi đầy đủ trách nhiệm mà sự ràng buộc này cần được luật hóa. Nhà giáo tự rèn, phụ huynh học sinh trau dồi kỹ năng, lễ nghĩa. Lớp học tại trường, lớp học ở gia đình chuyển động cùng hướng dưới sự điều tiết của luật Nhà giáo.

Tạo điều kiện nhưng không "biệt lệ"

Nếu quy định rõ, thực thi đúng, nhà giáo và gia đình của họ sẽ sống được bằng lương (mức trung lưu) và chỉ cần thế. Ưu đãi khác nếu có, là tạo điều kiện học tập nâng cao nghiệp vụ, phát triển văn hóa đọc, tích lũy thực tiễn phong phú để rèn kỹ năng sống… Đừng đặt ra những quy định "biệt lệ" với nhà giáo.

Luật nhà giáo để giáo viên thật sự là lương sư- Ảnh 2.

Luật Nhà giáo nếu xây dựng đúng sẽ là tạo cơ hội giúp nhà giáo có điều kiện thuận lợi thực hiện sứ mệnh "trồng người"

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo nên cứ theo quy định chung. Giáo viên lớn tuổi có thể giảm số tiết đứng lớp. Thời gian còn lại, họ làm một số công việc khác, như hỗ trợ giáo viên trẻ, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên, tư vấn học sinh, phụ huynh học sinh… Giáo viên lớn tuổi là tài sản quý giá của giáo dục, khéo đề cao vai trò, sử dụng đúng người, đúng việc - vừa có ích cho ngành, vừa có lợi cho quý thầy cô.

Luật Nhà giáo nếu xây dựng đúng sẽ là ngôi nhà tôn nghiêm, ấm áp, nơi tỏa sáng phẩm chất, năng lực của nhà giáo; tạo cơ hội giúp nhà giáo có điều kiện thuận lợi thực hiện sứ mệnh "trồng người".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.