Sau một năm rưỡi đưa ra Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật Nhà giáo (10.2022), Bộ GD-ĐT ngày 13.5 ban hành dự thảo luật Nhà giáo với nhiều nội dung cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo...
Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất
Theo đó, nhà giáo bao gồm giáo viên và giảng viên. Cụ thể, giáo viên là người giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, hoặc giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trung cấp theo quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp.
Còn giảng viên là người giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; giảng dạy, giáo dục trình độ CĐ trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Trong dự thảo này, những vấn đề chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; đánh giá nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo... được quy định rõ ràng, chi tiết.
Về chính sách tiền lương, dự thảo nêu "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp".
Những hành vi nhà giáo bị nghiêm cấm
Trước đó, một vấn đề gây nhiều tranh cãi là nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề, nay cũng đã được Bộ GD-ĐT chính thức đề xuất trong dự thảo.
Ngoài quyền và nghĩa vụ, nhà giáo sẽ phải lưu ý đến những hành vi bị nghiêm cấm. Đó là không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân; không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; không được gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học.
Bên cạnh đó, nghiêm cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;
Việc lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề cũng bị nghiêm cấm.
Song song đó, dự thảo luật Nhà giáo cũng nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo; cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Việc cơ sở giáo dục phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng nhà giáo; phân công vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động; trả lương không đúng số lượng và thời gian theo hợp đồng cũng bị nghiêm cấm.
Ngoài ra, dự thảo luật Nhà giáo cũng nghiêm cấm việc công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
Bình luận (0)