|
Sức khỏe của bộ não và sức khỏe của cơ thể được kết nối với nhau. Vì vậy, những thay đổi tích cực có thể thúc đẩy cơ hội chống lại bệnh Alzheimer (một dạng mất trí nhớ). Dưới đây là 6 thói quen giúp tăng cường sức mạnh cho não bộ.
Tập thể dục thường xuyên. Các nhà nghiên cứu đang xem xét chế độ ăn uống và tập thể dục ảnh hưởng như thế nào đối với bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy các yếu tố nguy cơ cụ thể như: không hoạt động thể chất và béo phì ở độ tuổi trung niên có liên quan đến hơn một nửa trường hợp được chẩn đoán bệnh Alzheimer. Vì thế, hãy dành ít nhất 30 phút tập thể dục (aerobic, đi bộ, bơi lội, làm vườn...) và thực hiện khoảng 5 lần mỗi tuần sẽ giúp duy trì sức khỏe cho não bộ. Đối với những người trên 65 tuổi, thêm 2 - 3 buổi tập thể lực hằng tuần có thể cắt giảm nguy cơ bệnh Alzheimer xuống còn một nửa.
Ăn uống tốt cho tim. Có bằng chứng mạnh mẽ liên kết giữa sức khỏe của tim với sức khỏe của não và đến nay chế độ ăn Địa Trung Hải được biết đến rất có lợi cho tim. Ăn một chế độ lành mạnh giàu ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, cá, ít chất béo trans hay chất béo bão hòa có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho tim và não, bởi tim có chức năng bơm máu đến não. Đó là lý do tại sao cần xây dựng một trái tim khỏe để góp phần tăng cường sức mạnh cho não.
Kích thích tâm trí. Nghiên cứu cho thấy việc giữ não hoạt động thường xuyên có tác dụng tăng sức sống cho nó. Kích thích tinh thần lâu dài có tác dụng bảo vệ các tế bào não cũ, đồng thời tạo ra các tế bào não mới. Thông thường, những người có trình độ giáo dục cao được bảo vệ phần nào chống lại bệnh Alzheimer do các tế bào não và các kết nối của chúng mạnh hơn. Để bộ não hoạt động hiệu quả, hãy tham gia làm các câu đố trò chơi ô chữ như Sudoku, hay đọc sách, viết văn, làm bài tập, ghi danh vào một số khóa học...
Đảm bảo giấc ngủ chất lượng. Một lịch trình ngủ đều đặn (ít nhất 8 giờ mỗi đêm) có thể giúp bộ não hoạt động tốt nhất. Giấc ngủ sâu đảm bảo cho sự hình thành và duy trì bộ nhớ, vì vậy nếu những ai đang bị thiếu ngủ, nguy cơ phát triển các triệu chứng Alzheimer luôn sẵn sàng “chào đón”. Để có giấc ngủ ngon, trước khi đi ngủ hãy thư giãn như tắm nước nóng, đồng thời tắt ti vi, máy tính, điện thoại. Ánh sáng từ các thiết bị này là tác nhân phá hoại giấc ngủ. Nếu bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm, một giấc ngủ trưa chất lượng có thể giúp đỡ ít nhiều.
Kiểm soát stress. Căng thẳng có thể gây hệ lụy cho não, nó làm co rút một khu vực trong bộ nhớ chính được gọi là vùng hippocampus. Khi vùng hippocampus co rút sẽ gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng tế bào thần kinh, làm tăng nguy cơ bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Kiểm soát căng thẳng bằng việc hít thở sâu để nâng lượng ô xy cho não. Ngoài ra, đi dạo trong công viên, chơi với thú cưng, tập yoga, thiền... là những liệu pháp xoa dịu thần kinh hiệu quả và giúp lấy lại sự thanh thản, nhẹ nhàng trong tâm trí một cách nhanh chóng.
Duy trì đời sống xã hội tích cực. Ngoài chế độ ăn uống và tập thể dục, kết nối xã hội đóng một vai trò đáng kể trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy, những người duy trì các kết nối xã hội mạnh mẽ có thể đối phó tốt hơn với căng thẳng, trong đó bao gồm cả việc tăng cường chức năng nhận thức. Theo các chuyên gia sức khỏe, tương tác xã hội giúp giảm căng thẳng và vô hiệu trầm cảm. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, liên kết xã hội còn giúp một số người phát triển đời sống tinh thần lên một mức độ cao hơn. Tiếp cận với người khác thông qua điện thoại, email, mạng xã hội và tham gia vào các hoạt động nhóm (phòng tập thể dục hoặc khóa học cộng đồng) giúp bạn có cơ hội tăng cường khả năng hoạt động của não bộ cũng như tạo sự vui tươi thoải mái trong tư tưởng - yếu tố rất có lợi cho sức khỏe của bộ não.
Hạ Yên
>> Thay đổi lối sống để ngăn ngừa bệnh Alzheimer
>> Ngăn ngừa bệnh Alzheimer
>> Đẩy lùi bệnh Alzheimer
>> Cho con bú giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
>> 8 cách ngừa bệnh Alzheimer
Bình luận (0)