NAPAS đề xuất hệ thống thẻ vé thông minh cho giao thông công cộng

06/07/2023 16:54 GMT+7

Một mô hình thẻ vé thông minh Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng trong đời sống trên các phương tiện giao thông công cộng qua các ứng dụng công nghệ không tiếp xúc, quét mã QR… góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Lãnh đạo NAPAS trình bày tham luận tại hội thảo

Lãnh đạo NAPAS trình bày tham luận tại hội thảo

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), tại hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội" do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp Báo Tuổi Trẻ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan tổ chức tại TP.HCM. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2023.

Tham dự sự kiện có sự hiện diện của Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều đại diện cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp…

Có bài tham luận về vai trò của trung gian thanh toán trong thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Đăng Hùng đã chia sẻ về chủ đề "Thẻ vé thông minh trong giao thông".

Trong bối cảnh hiện trạng thanh toán trong giao thông tại Việt Nam đang có nhiều bất cập và thách thức, ông Hùng nêu thực tế như đầu tư xe điện ở Hà Nội hoặc TP.HCM chưa có tiêu chuẩn về thẻ vé chung thống nhất, thiếu sự liên thông. Các tuyến giao thông, dự án được phát hành các hình thức thanh toán rời rạc. Người dân phải mua nhiều thẻ vé hoặc mua bằng tiền mặt; hệ thống thẻ vé giao thông không liên thông với nhau. Từ đó, không khuyến khích người dân mua vé thẻ giao thông công cộng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hệ thống thẻ vé giao thông dùng riêng và có thể liên thông với nhau. Nhiều nước trên thế giới còn dùng cả thẻ ngân hàng như thẻ vé trên các phương tiện giao thông công cộng như thẻ contactless (không tiếp xúc), ứng dụng công nghệ contactless cho điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh hoặc quét mã QR…

Lễ kí kết hợp tác giữa NAPAS và ONEFIN Việt Nam

Lễ ký kết hợp tác giữa NAPAS và ONEFIN Việt Nam

Như ở London, Vương quốc Anh, hệ thống giao thông của thành phố này có khoảng 9.300 phương tiện bus trải rộng trên 675 tuyến và 11 đường tàu điện ngầm có tổng chiều dài 402km bao gồm 272 nhà ga. Nếu năm 2003, London bắt đầu sử dụng thẻ vé Oyster (thẻ vé thông minh không tiếp xúc) thì đến năm 2012 đã dùng thẻ contactless ngân hàng. Điện thoại di động cũng được sử dụng để thanh toán dịch vụ công cộng như thẻ ngân hàng.

Số liệu cho thấy, tổng lượng đi thanh toán bằng thẻ Oyster và EMV contactless trong tháng 3-2023 lên tới khoảng 140 triệu lượt. Hay tại Singapore, giao thông công cộng của quốc đảo này chiếm 59% lưu lượng giao thông, và từ năm 2002 quốc gia này đã ra mắt thẻ thanh toán contactless đầu tiên với thương hiệu ezlink. Qua các giai đoạn, đến tháng 4-2019 bắt đầu triển khai chính thức chấp nhận thẻ EMV Dual Interface trong giao thông (MasterCard, Visa, NETS)…

"Từ thực tế các nước trên thế giới, chúng tôi nhìn thấy một mô hình thẻ vé thông minh mà Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng trong đời sống. Cụ thể, có thể áp dụng cả thẻ vé giao thông dùng riêng (CBT0 và thẻ vé dùng tài khoản/thẻ ngân hàng (ABT) đối với đơn vị vận hành giao thông là xe buýt, tàu điện (metro) hay xe đạp công cộng", ông Hùng cho biết.

Để làm được điều này, theo đề xuất của Napas, Việt Nam cần xây dựng hệ thống thẻ vé điện tử tập trung cấp quốc gia, hoặc tối thiểu ở mức thành phố lớn, cho phép liên thông tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, metro…

Trải nghiệm thanh toán giao thông bằng thẻ ngân hàng

Trải nghiệm thanh toán giao thông bằng thẻ ngân hàng

"Cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé theo tiêu chuẩn mở, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn hiện hữu của Việt Nam (EMV-VCCS). Cần có chính sách hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông cho hơn 50 triệu chủ thẻ hiện hữu. Đồng thời, các công nghệ mới nên được nghiên cứu và áp dụng khi xây dựng các hệ thống thẻ vé tập trung của quốc gia, thành phố", Phó tổng giám đốc Napas lập luận.

Trong thực tế triển khai thanh toán không tiền mặt ứng dụng công nghệ không tiếp xúc tại Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Hùng thông tin, từ tháng 12.2021, đã có những khách hàng đầu tiên sử dụng thẻ ngân hàng Napas để thanh toán cho chuyến đi bằng cách chạm thẻ vào thiết bị trên xe buýt (xe buýt điện Vinbus).

Đã phát hành 50 triệu thẻ contactless

Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội thảo, ông Nguyễn Đăng Hùng cho hay, Napas là đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng thanh toán quốc gia, xác định tầm quan trọng của việc kết nối và chia sẻ hạ tầng. Hơn 20 năm trước, dữ liệu giao dịch chỉ thực hiện trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên với sự tham gia của các trung gian thanh toán và chủ trương của ngành ngân hàng trong việc kết nối, chia sẻ hạ tầng thanh toán qua POS, ATM của các ngân hàng. Từ đó giúp ngành có sự phát triển mạnh thời gian qua, đặc biệt đóng góp vào thanh toán không dùng tiền mặt tạo ra một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt, mà ở đó các phương tiện thanh toán như tài khoản, thẻ, ví điện tử, Mobile Money đã mang lại tiêu dùng văn minh của người dân, đặc biệt an toàn.

Hiện Napas cung cấp hạ tầng thanh toán kết nối các ngân hàng với nhau và đã phối hợp các ngân hàng phát hành 50 triệu thẻ contactless - thẻ không tiếp xúc và mong muốn toàn bộ các ngành trong nền kinh tế tận dụng hạ tầng của ngành ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ chủ thẻ contactless do các ngân hàng phát hành có thể sử dụng để thanh toán như một chiếc thẻ thông minh không chỉ trong mua bán sản phẩm, dịch vụ hàng hóa thông thường mà còn sử dụng trong giao thông, đô thị thông minh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.