Phần đầu tiên của ISS được phóng lên quỹ đạo vào năm 1998 và trạm không gian liên tục có người ở trên đó từ năm 2001 đến nay, theo AFP.
Mỹ, Nhật Bản, Canada và một số thành viên của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã cam kết sẽ hoạt động ISS đến năm 2030 trong khi Nga chỉ cam kết đến năm 2028.
Giám đốc NASA Bill Nelson hồi tháng 4 nói với quốc hội Mỹ rằng với tình hình quan hệ Mỹ-Nga hiện tại, nên bắt đầu chế tạo phương tiện để đưa ISS khỏi quỹ đạo một cách an toàn để nó không rơi xuống trái đất và gây ảnh hưởng đến người dân.
NASA ngày 26.6 thông báo đã chọn SpaceX để chế tạo con tàu giúp đưa ISS về bầu khí quyển, có tên gọi là Phương tiện rời quỹ đạo Mỹ. Hợp đồng có giá trị ước tính 843 triệu USD.
NASA sẽ tiếp nhận con tàu sau khi SpaceX chế tạo xong và nắm quyền kiểm soát nhiệm vụ đưa ISS vào khí quyển, sau đó rơi xuống nơi yên nghỉ tại Thái Bình Dương.
Tàu không gian Starliner của Boeing gặp sự cố, phi hành gia khi nào trở về?
ISS là cấu trúc lớn nhất từng được xây dựng trong không gian, nặng 430.000 kg. Các kỹ sư dự kiến sẽ tiến hành nhiệm vụ trong 3 giai đoạn. Đầu tiên, các tấm pin năng lượng mặt trời và bộ tản nhiệt sẽ tách khỏi ISS. Kế đó, các mô đun sẽ lần lượt tách khỏi phần trục chính của ISS. Cuối cùng, phần trục chính và các mô đun sẽ tự tách rời ra.
Hầu hết các mảnh vỡ sẽ bị đốt cháy nhưng những bộ phận có kích thước lớn sẽ còn lại. Do đó, NASA đang thiết lập một khu vực xa xôi tại Thái Bình Dương gọi là Điểm Nemo, nơi còn biết đến như là nghĩa địa của các vệ tinh và phi thuyền, để đưa những bộ phận đó xuống.
Hiện nay, nhiều công ty đang nỗ lực phát triển trạm không gian riêng trong khi Trung Quốc đã xây dựng trạm không gian Thiên Cung.
Bình luận (0)