Hãng Reuters ngày 26.6 đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (tức NATO) đã vừa chính thức chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm tổng thư ký kế nhiệm, thay thế ông Jens Stoltenberg.
Ông Rutte chính thức được bổ nhiệm làm Tổng thư ký NATO sau khi đối thủ duy nhất là Tổng thống Romania Klaus Iohannis tuần trước thông báo rút lui khỏi cuộc đua.
Tân Tổng thư ký NATO sẽ nhậm chức vào tháng 10, trong bối cảnh cuộc chiến hiện tiếp diễn tại Ukraine, bên cạnh những dự báo về các thay đổi khó lường từ Mỹ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương này.
Phát biểu sau khi ông Rutte chính thức được chọn, ông Stoltenberg ca ngợi người kế nhiệm Mark Rutte là "nhà lãnh đạo mạnh mẽ".
"Tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự lựa chọn của NATO. Mark Rutte là người kế nhiệm của tôi. Mark là một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương thực sự, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người xây dựng sự đồng thuận", ông Stoltenberg đăng tải trên nền tảng X.
Ông Rutte được Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu hậu thuẫn. Tuy nhiên, theo hãng DW, việc thuyết phục được Thủ tướng Hungary Viktor Orban khiến ông mất nhiều thời gian hơn.
Ông Rutte năm nay 57 tuổi, từng tốt nghiệp ngành lịch sử và từng trải qua các vai trò quốc vụ khanh về các vấn đề xã hội, việc làm, văn hóa, trước khi trở thành lãnh đạo đảng Nhân dân tự do và Dân chủ vào năm 2006.
Ông trở thành Thủ tướng Hà Lan từ ngày 14.10.2010 (tức đến nay đã 14 năm) và cũng là thủ tướng tại vị lâu nhất tại nước này.
Hồi tháng 7.2023, ông Rutte tuyên bố sẽ từ chức và nỗ lực vận động cho vị trí lãnh đạo NATO. Vị chính trị gia này là người có chủ trương ủng hộ Ukraine chống Nga. Giới quan sát cho rằng nhiệm vụ chính của ông Rutte trên cương vị mới sẽ là cân bằng các xung đột lợi ích giữa 32 thành viên NATO để tổ chức này có tiếng nói thống nhất.
Theo nhà báo Sheila Sitalsin của tờ Vokskrant (Hà Lan), ông Rutte từng phát biểu rằng khả năng lãnh đạo thực sự đòi hỏi khả năng lắng nghe và hiểu những quan điểm khác nhau.
Nhà báo Sitalsin cho rằng quan điểm này của ông Rutte có thể có ích với tư cách là người đứng đầu NATO.
Bên cạnh đó, ông Rutte cũng phải sẵn sàng cho khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng và gây áp lực đối với các thành viên khác trong NATO về chi tiêu quân sự.
Ông Rutte và ông Trump đã phát triển một mối quan hệ tích cực đáng ngạc nhiên trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump.
Khi đó, ông Trump còn gọi ông Rutte là bạn. Tuy nhiên, ông Rutte có quan điểm phản đối chính sách kinh tế bảo hộ của ông Trump.
Bình luận (0)