Ông Stoltenberg cho biết lực lượng quân đội Ukraine và phe ly khai được cho là do Nga hậu thuẫn đã rút quân khỏi miền đông nước này, nơi xung đột kéo dài kể từ năm 2014, theo AFP.
“Chúng tôi hoan nghênh tất cả nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng bằng cách rút quân nhằm đảm bảo chúng ta sớm có giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn”, ông Stoltenberg phát biểu trong chuyến thăm thành phố cảng Odessa, Ukraine ngày 30.10.
Động thái rút quân là điều kiện tiên quyết để tiến hành cuộc hội đàm trực tiếp lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong chuyến thăm Hungary, Tổng thống Putin nhấn mạnh Moscow sẵn sàng đối thoại với điều kiện công tác chuẩn bị chu đáo nhằm tránh trình trạng hội đàm nhưng không dẫn đến kết quả cụ thể.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5, bất chấp sự phản đối trong nội bộ chính phủ, Tổng thống Zelensky vẫn nỗ lực thúc đẩy tiến trình khôi phục hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông, khiến khoảng 13.000 người thiệt mạng. Theo kế hoạch, lực lượng quân đội và phe ly khai chấm dứt giao tranh, rút quân khỏi khu vực tiền tuyến ở miền đông Ukraine.
Chính quyền Ukraine và các nước phương Tây lâu nay cáo buộc Nga đưa quân và viện trợ vũ khí cho phe ly khai, đang kiểm soát miền đông Ukraine. Moscow luôn bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng ông Stoltenberg tuyên bố: “NATO yêu cầu Nga phải có trách nhiệm đặc biệt… là phải rút quân hoàn toàn khỏi miền đông Ukraine”.
Ngoài ra, ông Stoltenberg lưu ý: “NATO luôn ủng hộ và mở rộng cửa đón Ukraine làm thành viên của liên minh. Ukraine có quyền quyết định là thành viên NATO hay không”. Tổng thư ký NATO đồng thời nhấn mạnh: “Nga không có bất kỳ nền tảng pháp lý nào để gây ảnh hưởng đến những quyết định như thế này”. Đáp lại, Phó thủ tướng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh Kiev “có mục tiêu là đáp ứng nguyên tắc và yêu cầu để gia nhập NATO trong vòng 5 năm tới”.
Trong khi đó, Nga xem việc NATO chào đón Ukraine cho thấy khối liên minh đã nuốt lời hứa. Theo Itar-Tass, khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1990, các nhà lãnh đạo phương Tây đã hứa rằng NATO sẽ không tiến gần biên giới của nước Nga. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Anatoly Adamishin cho biết khi đó, cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev và các lãnh đạo phương Tây đã đàm phán về những điều kiện để thống nhất hai nước Đức. Để tăng tính thuyết phục, cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã cam kết rằng NATO sẽ không tiến “một inch” tới Đông Âu nhằm đổi lấy sự chấp thuận của ông Gorbachev về sự thống nhất nước Đức.
Bình luận (0)