Một quan chức NATO giấu tên cho biết khả năng phòng thủ trước tên lửa và các cuộc không kích là một phần quan trọng trong kế hoạch bảo vệ Đông Âu khỏi bị tấn công, đồng thời nhấn mạnh hiện khối không có khả năng đó, theo báo cáo của tờ Financial Times hôm 29.5. Các thành viên NATO có quá ít hệ thống phòng không dự phòng, nên khả năng triển khai bất kỳ hệ thống nào ngoài lãnh thổ của họ sẽ bị hạn chế nghiêm trọng, theo quan chức trên.
Quan chức NATO trên cho biết: "Các kế hoạch mới này có thể thúc đẩy đáng kể năng lực phòng không và tên lửa về số lượng và tính sẵn sàng. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng khả năng răn đe của NATO đối phó Nga vẫn mạnh mẽ".
Gần đây, các nước thành viên NATO thúc đẩy một loạt sáng kiến chồng chéo nhằm cố gắng tìm giải pháp lâu dài cho tình trạng hạn chế trên. Theo Reuters hôm 24.5 dẫn lại một lá thư gửi cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk mô tả phòng không là một điểm yếu lớn đối với an ninh của khối. Do đó, Ủy ban châu Âu cần đầu tư phát triển và hỗ trợ tài chính cho hệ thống phòng không toàn châu Âu.
NATO bất đồng về "kế hoạch 100 tỉ euro" cho Ukraine
Năm ngoái, Đức cũng khởi xướng sáng kiến phòng thủ chung "Sky Shield" hay "Lá chắn Bầu trời" do Đức nhằm mục đích tăng cường khả năng bảo vệ của NATO trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, dự án này vấp phải nhiều tranh cãi từ các đồng minh.
Ông Jack Watling từ Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia có trụ sở ở London (Anh) nhận định sự tích hợp các hệ thống phòng không khác nhau của châu Âu thông qua việc tạo ra một mạng lưới dày đặc cảm biến và máy bay đánh chặn trên khắp lục địa, từ đó giúp bù đắp sự thiếu hụt. Nhưng, "những nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát của NATO cho phòng không chưa bao giờ thành công", ông Watling nói.
Ở một diễn biến liên quan, trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự Quadriga 2024 của NATO ở Lithuania, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Carsten Breuer tuyên bố: "Cuộc tập trận hôm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng răn đe tới Nga". Mục đích của cuộc tập trận cho thấy NATO có thể bảo vệ sườn phía đông của NATO khỏi sự tấn công từ bên ngoài, đồng thời trấn an cho các đồng minh, theo ông Breuer.
Đức cũng cam kết sẽ đóng quân vĩnh viễn một lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu gồm khoảng 4.800 binh sĩ và 200 nhân viên dân sự ở Lithuania vào năm 2027.
Bình luận (0)