NATO tăng cường đối phó Trung Quốc

07/04/2022 07:15 GMT+7

Không chỉ các thành viên của NATO tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà khối này cũng dự kiến đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc .

Theo thông tin từ NATO, ngoại trưởng các nước thuộc liên minh này tiến hành cuộc họp với đồng cấp các nước châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Georgia và một số nước châu Á - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand trong hôm nay và ngày mai (7 và 8.4).

Không chỉ ngăn chặn liên minh Trung - Nga

Dự kiến, nội dung cuộc họp xoay quanh việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine. Trong đó, như tiết lộ từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cuộc họp còn nhằm tăng cường hợp tác với bên ở châu Á - Thái Bình Dương để ngăn cản Bắc Kinh ủng hộ Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine.

Không những vậy, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5.4, ông Stoltenberg cho biết trong hội nghị sắp diễn ra vào tháng 6 tới ở Tây Ban Nha, NATO sẽ thảo luận về ý tưởng chiến lược mới mà trong đó “cần tính đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và các chính sách cưỡng ép của nước này trên phạm vi toàn cầu”.

Dàn tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Canada và New Zealand tập trận chung ở biển Philippine vào tháng 10.2021

Hải quân Mỹ

Trung Quốc đang dần trở thành thách thức lớn cho các thành viên NATO và khối EU. Cụ thể, Bắc Kinh đang có ảnh hưởng lớn hơn đối với bán đảo Balkan thông qua sáng kiến ​​xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, và đang vạch ra các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Băng Dương. EU cũng đã báo cáo về các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nhằm vào các thành viên của khối này.

Mối đe dọa lâu dài

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, làm thế nào để đối phó với mối đe dọa từ Nga là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Washington cần tái triển khai lực lượng quân sự ở châu Âu. Và vì các nguồn năng lượng thay thế, tầm quan trọng của vùng Trung Đông cũng đang tăng lên. Trong bối cảnh đó, liệu Mỹ có thể rút lực lượng quân sự khỏi châu Âu và Trung Đông để tái triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) hay không? Đây là vấn đề khiến nhiều nước xung quanh Trung Quốc quan tâm”.

“Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác gần đây. Do hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, Nga đang dựa vào sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc đang mua các nguồn năng lượng và tài nguyên nông nghiệp từ Nga. Về mặt chính trị, Trung Quốc đã không chỉ trích Nga kể từ khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine”, ông Nagao phân tích và cho rằng: “Với Mỹ và nhiều đồng minh, Nga tuy là một mối đe dọa quân sự nhưng nền kinh tế không mạnh. Còn Trung Quốc là mối đe dọa quân sự với một nền kinh tế giàu có. Vì vậy, trong một thời gian dài, Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn Nga. Từ các yếu tố trên, Mỹ, NATO và các nước xung quanh Trung Quốc không thể quên Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài”.

Gần đây, một số thành viên NATO như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Canada đã tăng cường hiện diện quân sự thông qua các thỏa thuận hợp tác, điều động chiến hạm đến Indo-Pacific. Điển hình, website của Hải quân Mỹ vào đầu tháng 10.2021 đã thông báo 17 chiến hạm của 6 nước: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Canada và New Zealand vừa tiến hành hoạt động chung ở biển Philippine. Anh cũng đã chọn Indo-Pacific làm điểm đến cho chuyến ra khơi xa bờ đầu tiên của tàu sân bay nước này HMS Queen Elizabeth.

Hợp tác đa phương

Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: “Dù được chào đón, nhưng việc NATO tăng cường hợp tác với các đối tác ở Indo-Pacific cần có sự hiệu chỉnh cẩn thận để sự ủng hộ của các thành viên EU trong NATO và các bên liên quan trực tiếp ở khu vực như ASEAN, Hàn Quốc và Ấn Độ”.

“Việc viện dẫn Trung Quốc làm lý do để NATO tăng cường hoạt động ở khu vực có thể khiến một số bên không ủng hộ vì lo ngại việc an ninh hóa khu vực, đồng thời bị rơi vào tình thế “chọn phe”. Nhiều nước Đông Nam Á không muốn lựa chọn giữa chiến lược an ninh quốc phòng do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Trung Quốc và quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. NATO sẽ phải quan tâm vấn đề này nếu muốn chuyển nguồn lực sang Indo-Pacific”, ông Nagy đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra rằng: “Mô hình cho các liên minh hoặc quan hệ đối tác đang nổi lên ở Indo-Pacific là các phần thỏa thuận ở mức độ nhỏ hơn như cách tiếp cận của “bộ tứ an ninh” (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ), có đi có lại như thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) về quân sự giữa Nhật Bản và Úc. Về quốc phòng, có khả năng Nhật sẽ có nhiều RAA, cũng như các khuôn khổ đa phương khác để xây dựng khả năng phục hồi, răn đe và can dự vào Indo-Pacific”.

Thời gian qua, Indo-Pacific không chỉ chứng kiến sự hình thành của “bộ tứ an ninh” mà còn có cả các thỏa thuận đa phương như thỏa thuận 3 bên Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Trong đó, AUKUS đang đẩy mạnh hợp tác khi Mỹ và Anh không chỉ thỏa thuận hỗ trợ Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân, mà còn hợp tác phát triển tên lửa bội siêu thanh và công nghệ tác chiến điện tử, theo tờ Nikkei Asia.

Mỹ giúp Đài Loan tăng cường phòng thủ

Một hệ thống tên lửa Patriot của Đài Loan

AFP

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thương vụ tiềm năng trị giá 95 triệu USD nhằm nâng cấp năng lực phòng không của Đài Loan.

Theo Reuters ngày 6.4 dẫn thông báo của Lầu Năm Góc với Quốc hội Mỹ, gói nâng cấp bao gồm việc đào tạo, lập kế hoạch, trang bị, triển khai, vận hành, bảo trì và duy trì hệ thống phòng không Patriot cùng các thiết bị liên quan cho Đài Loan. Thương vụ được đề xuất với mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng việc hỗ trợ nỗ lực của phía tiếp nhận nhằm liên tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì năng lực phòng thủ đáng tin cậy của họ, theo thông báo. Thông báo không đề cập liệu hai bên đã ký kết hợp đồng hoặc các hoạt động thương thuyết đã kết thúc hay chưa. Văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho hay đây là thương vụ vũ khí thứ 3 được công bố từ khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.