NATO tập trận chung ở Ukraine

16/09/2014 03:00 GMT+7

Tình hình tại Ukraine có thể càng trở nên phức tạp sau các diễn biến trên thực địa lẫn tuyên bố mới của chính quyền Kiev.


Lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ Ukraine tại miền đông nước này - Ảnh: Reuters 

Ngày 15.9 quân đội Ukraine bắt đầu đợt tập trận chung kéo dài đến ngày 26.9 tại thành phố Lviv, miền tây nước này, với sự tham gia của binh sĩ 15 quốc gia thành viên NATO, gồm Mỹ và nhiều nước phương Tây, cùng một số đối tác khác. Tuy địa điểm tập trận cách xa khu vực bất ổn ở miền Đông nhưng chắc chắn sự kiện này sẽ khiến phe nổi dậy Ukraine và cả Nga khó chịu. Hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố quy chế không liên kết nêu trong hiến pháp Ukraine là vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Nga.

Cùng ngày, RIA-Novosti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Geletey cho biết một số nước thuộc NATO đã khởi động quy trình xuất khẩu vũ khí cho nước này. Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Wales hồi đầu tháng 9, Mỹ, Pháp, Ba Lan, Na Uy và Ý đều tỏ ra sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, đến chiều 15.9, Reuters dẫn lời ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết Đức không nắm được thông tin nào liên quan đến vấn đề trên, còn NATO cũng chưa lên tiếng.

Trong khi đó, sau một thời gian thực hiện lệnh ngừng bắn được ký kết vào ngày 5.9, giao tranh lại bùng phát dữ dội tại miền đông Ukraine. AFP dẫn thông cáo của tòa thị chính thành phố Donetsk ngày 15.9 cho biết xung đột đã làm ít nhất 6 dân thường thiệt mạng. Theo các nhân chứng, quân đội Ukraine và lực lượng nổi dậy nổ súng qua lại ở khu vực gần sân bay của thành phố này. Cả hai phe cũng liên tục tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận.

Những diễn biến mới nhất khiến giới quan sát lo ngại lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine có thể bị khai tử bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh quốc hội nước này nhiều khả năng sẽ thông qua hiệp ước bắt tay với EU trong hôm nay 16.9. Phần trọng tâm của hiệp ước nói trên được Tổng thống Poroshenko ký kết tại Bỉ hồi cuối tháng 6 với các điều khoản xóa bỏ hàng rào thuế quan để thiết lập vùng tự do thương mại. Đây là bước quan trọng để Kiev tiến gần về phía EU mà không cần gia nhập liên minh này. Ngược lại, Nga đã nhiều lần chỉ trích và cho rằng hiệp ước sẽ gây “chia cách sâu sắc xã hội Ukraine”.

Lan Chi

>> NATO chuyển vũ khí cho Ukraine để chống lại phe ly khai
>> Đoàn xe chở hàng viện trợ thứ hai của Nga vào lãnh thổ Ukraine
>> Tổng thống Nga: Phương Tây lợi dụng khủng hoảng Ukraine để gây bất ổn
>> Ukraine tuyên bố Nga đã rút quân
>> Dùng máy bay không người lái giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.