Trong số mới nhất được phát hành vào ngày 21.8, tạp chí Jane’s Defence Weekly (JDW) có bài phân tích về tham vọng mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tiến về phía đông
Hiện nay, Bosnia - Herzegovina, Georgia, Macedonia và Montenegro nằm trong danh sách các quốc gia đang muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, cả 4 nước này đều đối mặt không ít khó khăn để đáp ứng các điều kiện gia nhập khối NATO. JDW dẫn lời một quan chức NATO cho hay: “Cả 4 nước này đều đóng góp vào Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu ở Afghanistan. Nhưng vấn đề lớn nhất là ngân sách quốc phòng của họ quá thấp”.
|
Điển hình như Montenegro có ngân sách quốc phòng chỉ đạt mức 1,63% so với GDP, còn cách khá xa so với con số 2% mà NATO đề ra. Đó không chỉ là khó khăn duy nhất để các nước này có thể gia nhập NATO. Bên cạnh chỉ tiêu ngân sách quốc phòng, để làm thành viên NATO còn phải đáp ứng không ít tiêu chuẩn về năng lực quân sự. Montenegro đang phải chi thêm không ít để mua các loại phương tiện trinh sát, máy bay… Bosnia - Herzegovina cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì thế, một lần nữa, mong muốn gia nhập NATO khiến các nước phải tốn thêm tiền. Thách thức này càng trở nên khó khăn hơn khi tình hình kinh tế của nhiều nước vẫn đang u ám. Đến nay, chính phủ Macedonia vẫn chưa thể thông qua kế hoạch hiện đại hóa quân đội từ năm 2014 - 2023, dù đây là yếu tố quan trọng để nước này sớm gia nhập NATO.
Mặc dù đối mặt không ít khó khăn, Bosnia - Herzegovina, Georgia, Macedonia và Montenegro vẫn được giới quan sát đánh giá là có nhiều khả năng sẽ gia nhập NATO sớm nhất. Trong khi đó, 2 nước Bắc u là Thụy Điển và Phần Lan sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của NATO nhưng lại chưa có một lộ trình rõ ràng gia nhập khối này. Càng lạ hơn khi NATO, vốn mang tên là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nhưng đồng thời Đan Mạch và Iceland cũng nằm ở khu vực Bắc u đã gia nhập khối này ngay từ ngày đầu thành lập. Chính vì thế, việc Bosnia - Herzegovina, Georgia, Macedonia và Montenegro nằm trong lộ trình gia nhập chứng tỏ NATO đang có chiến lược mở rộng về phía đông.
Kết thân Đông Nam Á
Thực sự, xu hướng mở rộng về phía đông của NATO không chỉ dừng lại ở châu u, thậm chí có thể là tận Đông Nam Á. Theo trang mạng Global Research của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa tại Canada, vào tháng 5.2010, Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ đã đưa ra học thuyết “Xây dựng một NATO Đông Á”. Vốn dĩ, hội đồng này là nhóm vận động chính cho NATO ở Mỹ. Theo học thuyết trên, Washington có quan hệ quân sự mật thiết với nhiều nước Đông Á có một cấu trúc an ninh như NATO. Vì thế, Mỹ nên hợp tác phát triển một liên minh quân sự giống NATO tại Đông Á. Nền tảng mô hình giống nhau sẽ giúp 2 khối có thể dễ dàng bắt tay và khi đó NATO xem như trải dài từ Bắc Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương để đến bờ tây của Thái Bình Dương. Trong đó, Ấn Độ đóng vai trò cầu nối. Nói chuyện với báo giới hồi tháng 9.2011, Ivo Daalder, đại diện thường trực Mỹ tại NATO, từng nhấn mạnh: “Có một đối thoại sâu sắc với Ấn Độ là rất quan trọng”. Ông Daalder còn kêu gọi New Delhi, thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết, nên từ bỏ chính sách trung lập. Xa hơn, theo ông, Ấn Độ nên hợp tác với Mỹ và NATO để cùng phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn quốc tế.
Thực tế, Washington dường như đang ráo riết vận động để NATO tăng cường quan hệ với các nước Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tháng 10.2011, ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, đã đến Indonesia gặp Bộ trưởng Quốc phòng chủ nhà Purnomo Yusgiantoro để “phát triển quan hệ song phương và thảo luận các vấn đề lớn hơn đối với khu vực Đông Nam Á”. Cũng vào tháng 10.2011, Robert Scher, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cũng có chuyến thăm 2 ngày đến Campuchia. Gần đây, mật độ quan chức quân sự Mỹ công du khu vực này cũng dày đặc hơn. Từ ngày 25 - 30.8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel có chuyến thăm 4 nước Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. Bên cạnh đó, đến nay Mỹ cũng đã tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Nam Á khi điều động tàu chiến đồn trú luân phiên ở Singapore hay đang thương thuyết bổ sung thêm binh sĩ đồn trú, xây dựng cơ sở quân sự ở Philippines.
Ngô Minh Trí
>> NATO ở đâu trong xung đột Thái Bình Dương? - Kỳ 2
>> NATO ở đâu trong xung đột Thái Bình Dương ?
>> NATO sẽ lập đội phản ứng nhanh về tấn công mạng
>> Máy bay NATO rơi ở Afghanistan, 4 người chết
>> Tổng thư ký NATO đến Hàn Quốc
Bình luận (0)