Natoly Jim, hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Việt đầu tiên ở Campuchia

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
29/06/2022 13:53 GMT+7

Ông Natoly Jim reo lên: ' Campuchia mới mở cửa du lịch 1 - 2 tháng. Đây là đoàn khách du lịch Việt Nam thứ hai Toly hướng dẫn. Sau 2 năm Covid-19, Toly tưởng mình quên tiếng Việt rồi. Giờ được nói lại, Toly thấy sướng vô cùng!'.

Hồi tháng 5 vừa rồi, tôi có chuyến du lịch dài ngày ở Vương quốc Campuchia. Ngoài việc được mở mang kiến thức về văn hóa, lịch sử của nước bạn, tôi bị thu hút bởi cá tính nồng hậu, yêu chuộng hòa bình của người dân sở tại. Trong số người bản địa tôi gặp, hướng dẫn viên du lịch của đoàn chúng tôi - ông Natoly Jim - mê hoặc du khách bằng những câu chuyện của mình.

Ký ức của Toly ở “thời kỳ đen tối nhất” - dưới chế độ Pol Pot

Ông Natoly Jim đã 59 tuổi, có vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt niềm nở và xưng mình là “Toly” với du khách.

Điều thành viên trong đoàn du lịch chú tâm nằm ở bản thân câu chuyện ông Toly trải qua vào thời Khmer Đỏ.

Toly kể, thời điểm chế độ Pol Pot đánh sụp đổ chính quyền Cộng hòa Khmer và đổi tên nước thành “Campuchia Dân chủ” thì Toly mới 12 tuổi, sống cùng ba mẹ và hai em trai ở thủ đô Phnôm Pênh.

Ông Natoly Jim thuyết minh trước du khách tại di tích Angkor

PHẠM THU NGÂN

Sau khi quân đội mới bước vào thủ đô, người dân phải gánh chịu “thời kỳ đen tối nhất của lịch sử đất nước Campuchia”, theo cách mà Toly gọi.

Người dân thủ đô, trong đó có gia đình Toly, phải bỏ lại tài sản, nhà cửa để đi ròng nhiều tuần theo chính sách tái định cư từ thành thị về nông thôn khi Angkar cầm quyền (ban tổ chức lãnh đạo tối cao của Khmer Đỏ - PV).

Toly cũng xúc động khi kể lại, do không thể chịu được việc đi bộ nhiều ngày kéo dài dưới thời tiết nắng nóng bấy giờ cũng như thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, hai người em nhỏ của ông đã qua đời. “Xác hai đứa em Toly phải vứt bên đường. Sau này, gia đình quay lại tìm xương cốt hai em nhưng không thấy”, Toly cho biết.

Theo lời Toly, dưới chế độ Khmer Đỏ, Angkar tuyên bố xóa bỏ tất cả giai cấp trong xã hội, nhưng thực tế phân biệt rất rõ: dân lùa đi từ thủ đô hoặc một số thành phố phát triển được gọi là “dân ngày 17.4” hoặc “dân mới”; còn dân sống vùng nông thôn được gọi là “dân vùng giải phóng” hay “dân cũ”. Angkar cho gia đình dân mới sống cùng dân cũ và nói với dân cũ rằng dân mới là loài dân sống trên mồ hôi, nước mắt của họ; khiến họ trở thành kẻ thù của nhau.

Ông Natoly Jim, một trong những hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Việt đầu tiên ở Campuchia

PHẠM THU NGÂN

Dân cũ có quyền tất cả, làm nhiệm vụ "cảnh giới” cho Angkar, nếu biết hay nghi ai trong dân mới có là kẻ thù hay có nguy cơ gây hại sẽ báo với Angkar để đưa dân mới đi học tập. Ngoài ra, lực lượng Angkar cũng kêu gọi ai làm ở chế độ trước ra thông báo, trình diện để phục chức. Dẫu vậy, chưa thấy ai đi học tập hay phục chức mà trở về.

Ba mẹ Toly, vốn là giáo viên, mất tin tưởng với Angkar nên dặn con phải gọi ông bà bằng tên giả, nghề nghiệp là thợ bình dân.

Gia đình ông Toly cũng từng sống ở trại tập thể ở tỉnh Pursat. Sau đó, ba, mẹ và Toly lần lượt được đưa về trại nam, trại phụ nữ và trại trẻ em. Cả gia đình bặt vô âm tín nhau. Sau một năm ở trại trẻ em, Toly chuyển về trại thanh niên, phải đi chăn bò đến đào thủy lợi, chặt rừng... Dù ở đâu, họ đều phải làm việc khổ sai, sống trong tình trạng đói khát dưới chế độ cưỡng bức lao động của chính quyền Pol Pot.

Những vị khách du lịch trong đoàn không chợp mắt để nghe dòng câu chuyện của Toly.

Ông kể: “Bốn năm trôi qua, cho đến ngày 7.1.1979, quân đội Việt Nam giải phóng thủ đô Phnôm Penh. Toly nhớ, trước ngày vùng Toly ở được giải phóng, 6 giờ sáng, trời còn mờ mờ, Toly thấy quân đội tiến tới rất nhiều. Họ đứng trên xe tăng, ngoắc tay bọn Toly. Ai cũng đều chạy ra, Toly nghe các ông lớn bảo: “Quân đội Việt Nam đến rồi!”.

Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia

PHẠM THU NGÂN

Dẫu vậy, một năm sau Toly mới được đoàn tụ với gia đình tại Phnôm Pênh. Ba Toly kể rằng bí mật về gốc gác của ông bị lộ nên ông và một số người khác đã chạy vào rừng rồi tham gia Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước.

Thực tế, ngày chiến thắng lịch sử lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ lại mở đầu cho 10 năm đau thương của người Việt ở Campuchia nhằm ngăn Khmer Đỏ trỗi dậy lần nữa.

Theo lời Toly, mãi cuối năm 1998, khi Khmer Đỏ “hòa nhập xã hội”, Campuchia mới chính thức hòa bình, phục hồi đất nước.

"Cảm ơn cựu chiến binh, nhân dân và du khách Việt Nam"

Tình yêu của Toly với Việt Nam còn hơn thế khi đất nước Campuchia tái thiết, ông có 3 năm theo học Trường Sĩ quan Lục quân 2 ở tỉnh Đồng Nai (Việt Nam) và có mối tình đầu là một bạn gái người Việt. Nhưng hai người đã mất liên lạc nhau khi Toly về nước.

Toly nói mình có thời gian phục vụ quân đội nước nhà nhưng sau đó do nguyện vọng cá nhân, ông xin ra khỏi ngành. Gia đình ông vẫn sống ở thủ đô Phnôm Pênh và giờ ông đã có cháu nội.

Vương quốc Campuchia mới mở cửa hoạt động du lịch sau hai năm dịch Covid-19

PHẠM THU NGÂN

Hỏi cơ duyên đến với nghề hướng dẫn viên du lịch của Toly, ông chia sẻ: "Năm 1999, Campuchia có khách du lịch từ Việt Nam sang. Bộ Du lịch Campuchia bấy giờ đã chiêu mộ người dân nào biết tiếng Việt có thể nộp hồ sơ để học nghề hướng dẫn viên. Toly được chọn. Lúc đó, cả nhóm chỉ 7 người, nên Toly là một trong hướng dẫn viên đầu tiên nói tiếng Việt ở Campuchia”.

Khi một du khách hỏi tại sao Toly có thể nói tiếng Việt thành thạo như vậy, người hướng dẫn viên có thâm niên 20 năm lý giải: “Lúc mới ra nghề, du khách Việt chỉ nghe được vài từ Toly thuyết minh. Khi Toly giới thiệu nam giới ở Campuchia lớn lên phải đi tu rồi mới lấy vợ, Toly nói thành “đi tù”. Hoặc khi nói về Lễ Chol Chnam Thmay, có phong tục tát nước, “thoa phấn”, Toly nói thành “thoa phân”!. Tiếng Việt phong phú vô cùng, sai một tí thôi là sang một ý nghĩa khác rồi. Toly nói được như ngày hôm nay đều nhờ du khách nhiệt tình sửa mỗi lần phát âm không chuẩn”.

Thực tế, Toly dùng tiếng Việt rất đa dạng, cộng với sự trải đời, Toly đủ sắc sảo khi thuyết minh về lịch sử, kiến trúc của Angkor Wat, Angkor Thom; đủ chiều sâu để nói về lối sống, tập quán của người địa phương mỗi khi chúng tôi đến một vùng đất nào đó ở Campuchia.

Ông có thể làm chạnh lòng du khách khi thuyết minh về đời sống cư dân trên Biển Hồ hay khiến họ cười ngã ngửa khi ví von mối tính đầu của ông như “cặn ở đáy trái tim mình”. Hai năm dịch Covid-19, không chỉ Campuchia mà ngành du lịch của thế giới cũng bị đóng băng, ông ngỡ mình đã quên tiếng Việt nhưng giờ được nói lại, được dẫn đoàn lại, ông thấy sung sướng vô cùng.

Hỏi vui buồn của nghề, Toly khiêm tốn trả lời: “Mỗi lần Toly dẫn đoàn xong, có hai điều du khách nói làm Toly hạnh phúc. Một là khen Toly nói tiếng Việt giỏi; hai là khách ăn cơm ở Campuchia no lắm. Còn nếu về nỗi buồn thì chắc là khi du khách vô tình, lỡ lời khi họ bàn về tôn giáo, nhà vua của đất nước mình. Nghề này, ngoại trừ có tâm, yêu nghề, mình cũng phải có nhiều sự tha thứ và kiên nhẫn nữa”.

Angkor Wat - một trong những kỳ quan của thế giới

PHẠM THU NGÂN

Trước khi kết thúc chuyến du lịch, Toly chia sẻ với tôi rằng ông kỳ thực mong muốn gửi lời cảm ơn của mình đến các cựu chiến binh và nhân dân Việt Nam vì đã giúp đỡ Campuchia thoát khỏi thời kỳ đau thương nhất.

Tôi đề cập quyển Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl khi tác giả tự truyện về thời gian người Do Thái phải sống trong trại tập trung Auschwitz của chế độ Đức Quốc xã và hỏi liệu Toly có bao giờ ông muốn chia sẻ trải nghiệm của ông thành sách không. Vị hướng dẫn viên nói: “Toly rất muốn chia sẻ lịch sử, đất nước, con người Campuchia vào thời chinh chiến khói lửa và bi đát của dân tộc cho thế hệ sau. Nhưng chắc là việc ấy sẽ làm khi tôi thôi nghề hướng dẫn viên du lịch, giờ Toly còn mê nghề này lắm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.