Nẫu rặc ri

15/08/2020 06:19 GMT+7

Nghe tôi nói cười giỡn hớt hoặc đối đáp đàng hoàng bằng một thứ tiếng miền Trung đặc sệt, rất nhiều người đã lầm. Tưởng tôi gốc gác dân ở đây.

Hồi nhỏ, nhà tôi ở khu Hai và là gia đình duy nhất không phải dân địa phương. Có lẽ vì vậy mà nhắc tới bố mẹ tôi người ta hay gọi là ông Bắc, bà Bắc, chú Bắc, thím Bắc. Gần như trong tôi đã hình thành hai thứ tiếng, ngay từ hồi còn chút bẻo khi được sinh ra và sống tại Quảng Ngãi, mấy năm đầu đời. Rồi cùng với gia đình vô Bình Định ở miết tới giờ.
Những hồi ở nhà tôi nói trùng thứ tiếng với cả gia đình. Là giọng Bắc đúng chuẩn. Nhưng, chân vừa dợm bước ra khỏi ngôi nhà mình là tôi, đúng nghĩa, nẫu chay. Gần gụi với các bạn học ở trường đã là cơ hội cho tôi dùng tiếng miền Trung. Thêm điều kiện phát triển, khi mà, cả đám trẻ nhỏ tôi vẫn lân la chơi bời toàn là dân biển. Mấy đứa này nói tiếng nặng trịch à! Cũng dân Trung, chứ mà, dân phố khác dân quê rồi dân ở nông thôn khác dân biển giã. Và, tôi cứ vầy vậy. Cứ hồn nhiên mà nghe và nói. Cứ vô tư mà kể rồi nghe.
Nhớ cũng hồi đó, có lần mẹ tôi nghe các anh chị méc là Út toàn nói tiếng nẫu, khi ra ngoài. Mẹ chỉ cười tủm tỉm và ngay tối đó, cả nhà vây lấy tôi đòi nghe. Tôi coi bộ ưng hung: “Dạ. Phải hỏi đặng con mới có cớ trả lời chứ!”. Cuộc đối đáp tức thì được diễn ra. Người hỏi đông bắt ớn, trong khi, người đáp lại trọn lỏn có một mình. Vậy mà, tôi không chút nao núng khi lanh lảu đáp trả bằng một thứ tiếng Bình Định rặc ri. Những nào dễ òm, chưng hửng, hé, hử, nố...
Buổi đêm thẩm tra kết thúc trong lời bố: “Mày người miền Trung thật rồi, con ạ!”. Và mẹ. Cũng mẹ: “Để rồi gả cái Út cho người trong này. Để mà tha hồ mà nói tiếng nẫu, con nhé!”. Và mẹ gả thật. Mà không cũng đâu được. Vì tôi, cũng quen tới mấy người trước đó là dân Huế, Sài Gòn nhưng giắt dăm ưng cái ông Bình Định đây. Chồng tôi quê ở Tam Quan. Người dân ngoài đó nói tiếng khó nghe lắm. Nhưng, tôi hiểu tuốt. Trong khi các anh chị em họ của chúng tôi sống ngoài Bắc trong Nam lâu, không cách gì nhận ra được. Cứ lớ qua lớ quớ mới thiệt tội nên có tôi đỡ lắm. Thở mi đời (*), hồi giờ, có ai làm thông dịch viên cho người Việt với lại người Việt mình không đã chứ! Được nghe tiếng nẫu tôi đã thích và nói, càng thích hơn. Có ý nghĩ, tôi là chính tôi khi cất cao, hạ thấp lượn lờ hay sửng khan trong từng câu từng chữ với thứ tiếng nẫu chay. Tôi Bình Định chánh hãng, miền Trung rặc ri khi vội vống lên: “hé” đầy tra hỏi. Rồi xuội lơ: “dzẫy na” lúc bị bắt bài và trật ề ra đó…
Người ta hay chê tiếng ngoài mình quê rình, phát âm sai bét vậy mà tôi thương tôi ghiền quá chừng quá đỗi. Và thương hơn quắt quay hơn, thứ tiếng miền Trung khi thấy nó lạc lõng ở đâu đó. Nhiều năm trước đây tôi cũng có làm MC. Trên sân khấu, phải dùng tiếng Bắc cho dễ nghe nhưng xong việc là tôi cứ tiếng nẫu mà ào ạt, tuôn trào. Tôi tha hồ tung hứng thứ tiếng miền Trung mà với riêng tôi, cứ như là máu thịt. Và viết? Mỗi lúc, được nhìn trực diện trên màn hình thứ tiếng nẫu mình mới gõ. Có thể là một từ trụi lủi hay là cả câu văn dặc dài. Đặc rệch nẫu. Tôi hạnh phúc sao đâu. Rồi nghe? Cứ nín làm thinh, giữa buổi chợ ồ xổn (**) và được chứng kiến người mua kẻ bán, cười giỡn câu mâu kể cả kình cãi bằng thứ tiếng miền Trung, tôi thích lắm trời ạ!
Có lần, tình cờ đi bộ qua cổng trường gặp lúc bọn nhỏ tan lớp. Tụi nó ùa ra và cứ tiếng ngoài mình túa tràn. Trái tim tôi, tức thì, chập nhả bao nhịp xúc động xôn xao. Được nghe được nói được viết ra thứ tiếng miền Trung sao mà nó sướng thỏa? Cứ y như mình đang vui, sử dụng tiếng nẫu mình vui hơn. Sự thích thú như bung rộng và cao ngất. Buồn, nói nẫu rặc ri nỗi buồn như thu vén lại.
Hết thảy như mách bảo: Tôi thuộc về nơi này. Là Bình Định là miền Trung, rất đỗi thiêng liêng mà vô cùng thô tháp đã dính cứng, bám níu lấy đời tôi, miết mãi, từ một thuở nào…
-------
(*) thở mi đời: chuyện hiếm thấy.
(**) ồ xổn: xô bồ, hỗn tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.