Thế nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng, bỏ quy định này, khó kiểm soát được thị trường xăng dầu.
Thị trường bán lẻ xăng dầu cần được thiết kế đúng quy luật cạnh tranh |
Nhật Thịnh |
Đứt nguồn cũng không thể lấy ở đầu mối khác
Theo Nghị định 83/2014 ngày 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 tổng đại lý hoặc 1 thương nhân phân phối xăng dầu hoặc 1 thương nhân đầu mối. Thương nhân đã ký hợp đồng nhận quyền bán lẻ xăng dầu cũng không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý khác, chỉ được quyền mua xăng dầu với các thương nhân trong hệ thống phân phối và bán lẻ tại cửa hàng của mình. Ngoài ra, nghị định lại cho phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được lấy hàng từ các đầu mối khác nhau.
Vì quy định này, khi đầu mối cung ứng không có hàng, cây xăng không thể mua hàng từ nguồn khác để kịp phục vụ thị trường. Bên cạnh đó, hoa hồng bán hàng cho mỗi nhà phân phối cũng khác nhau, nhưng tại khâu bán lẻ cuối cùng là cửa hàng xăng dầu không thể cạnh tranh chọn lựa nhà cung cấp để có được hoa hồng tốt hơn.
Giá xăng dầu 24.9.2022: Giảm sốc, mất 5 USD/thùng |
Thực tế, sau khi Nghị định 83/2014 được ban hành và có hiệu lực, số vụ xăng dầu lậu, kém chất lượng được cơ quan điều tra phát hiện tăng qua từng năm và quy mô vi phạm lớn hơn, tinh vi hơn.
Năm 2021, vụ làm xăng giả lớn bị phát hiện tại Đồng Nai với 200 triệu lít xăng được đưa ra thị trường chỉ trong vòng 17 tháng đã gây hoang mang cho người tiêu dùng một thời gian dài. Trước đó, năm 2019, đường dây sản xuất và làm xăng giả của Trịnh Sướng tại Đắk Nông với hơn 192 triệu lít xăng giả cũng làm rúng động thị trường Tây nguyên và một số tỉnh miền Tây. Chưa kể hầu như tháng nào lực lượng chức năng tại các địa phương cũng phát hiện bắt giữ hàng chục đến hàng trăm thùng dầu, xăng lậu được vận chuyển trái phép vào VN.
Bà Lê Thị Nhã, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Hà Nội), cho rằng quy định trên quá bất cập, quy định chỉ lấy được từ 1 nhà cung ứng xăng dầu tại một thời điểm là “thủ tiêu cạnh tranh”. Không những thế, hình phạt cho “tội” lấy nguồn cung khác khi nguồn cung đại lý mua bị đứt hàng quá nặng. Hoặc giả sử nếu đại lý bán lẻ muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đổi giấy phép. Mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm nhiều thủ tục, rất mất thời gian, công sức của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, xăng dầu đang thiếu một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Một thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa là cả bên bán buôn và bán lẻ chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh một cách bình đẳng. Quy định chỉ mua đúng một tổng đại lý, thương nhân phân phối đã đăng ký là vô hình trung chúng ta đang dung túng cho một thị trường xăng dầu có sự độc quyền, có sự thống lĩnh thị trường của một số đầu mối. Ai dám chắc các “ông” phân phối, tổng đại lý không bắt tay nhau làm giá, hạ chiết khấu bán hàng?
Ông nói: “Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là phải thiết lập chuỗi bán lẻ xăng dầu bình đẳng, các cửa hàng bán lẻ là khâu phân phối cuối cùng trước khi đưa xăng dầu đến người tiêu dùng, có thể chọn mua hàng từ nhiều đầu mối. Đặc biệt, quy định bắt buộc ký kết với nhà phân phối nào chỉ “chung thủy” với nhà phân phối đó nên được điều chỉnh bỏ. Doanh nghiệp là đại lý bán lẻ có thể lấy nguồn hàng từ nhiều đầu mối khác nhau. Quy định này bình thường không thấy tính ưu việt của nó, nhưng khi hàng bị đứt gãy hay vì một lý do nào đó từ đầu mối, nhà phân phối…, cửa hàng xăng dầu có thể mua hàng từ các nơi khác, giải quyết được tình trạng khan hàng, đứt gãy cục bộ…”.
Lấy từ nhiều đầu mối khó quản lý?
Trên thực tế, khi xây dựng dự thảo Nghị định 83/2014, Bộ Công thương cho rằng, xăng dầu có đặc tính là chất lỏng, dễ trộn lẫn nên không xác định được nguồn cung cấp tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (kho, bể, cửa hàng...). Thứ nữa, xăng dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội, do vậy, để kiểm soát chất lượng xăng dầu từ đầu nguồn tới người tiêu dùng, giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, xác định được trách nhiệm của thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý đối với số lượng, chất lượng xăng dầu thuộc hệ thống của mình… Do đó, quy định này đưa ra nhằm quản lý hệ thống phân phối xăng dầu theo chuỗi từ thương nhân đầu mối tới tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc tổng đại lý/đại lý chỉ lấy xăng dầu từ một nguồn cung cấp. Trường hợp đại lý và tổng đại lý lấy nguồn hàng từ nhiều nơi thì không xác định được trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố về chất lượng xăng dầu.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế, giá xăng sẽ về mốc 20.000 đồng/lít?
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và 50% thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu. Theo tính toán, nếu được giảm đúng mức nói trên, xăng E5 RON 92 hiện tại sẽ giảm được 1.700 đồng, về 20.531 đồng/lít; xăng RON 95-III giảm 1.921 đồng về 21.294 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.099 đồng về 23.081 đồng/lít. Bộ Tài chính cũng tính toán số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.031 tỉ đồng nếu thời gian giảm 2 loại thuế nói trên có hiệu lực từ ngày 1.11.2022. Theo đó, dự kiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,15%. Tuy nhiên, tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.
Ng.Nga
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng đồng tình quy định này chỉ lấy hàng ở một đầu mối là không thể thay đổi vì nếu không thị trường xăng dầu sẽ bị “loạn” vì xăng giả. Việc cho phép các thương nhân phân phối, tổng đại lý mua hàng từ nhiều đầu mối do số đầu mối rất ít, việc mua bán rõ ràng, số liệu chất lượng quản lý rất minh bạch. Còn đại lý bán lẻ có từ hàng trăm đến hàng ngàn cây xăng, độ lan tỏa, mức ảnh hưởng vô cùng lớn nếu hàng giả bị tuồn vào. Nếu cho lấy hàng từ nhiều nơi, khi phát hiện hàng giả, việc truy xuất nguồn gốc cũng rất khó.
“Lâu nay chúng ta cũng bàn cãi nhiều về vấn đề này, doanh nghiệp là đại lý bán lẻ cho rằng làm như vậy là thiếu cạnh tranh, nhưng nếu không siết, việc xăng dầu giả tuồn vào thị trường nhiều, thả lỏng quản lý chất lượng, hậu quả rất lớn”, ông Long cảnh báo.
Thế nhưng, các đại lý bán lẻ và nhiều người vẫn không đồng tình. Ông P.H.K, thương nhân phân phối xăng dầu phía nam, cho rằng việc ngăn chặn xăng dầu giả vào thị trường là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, trong đó cụ thể là quản lý thị trường, công thương, khoa học công nghệ, công an… Không thể “đá” việc quản lý xăng dầu giả sang cho nhà bán lẻ bằng cách chọn giải pháp mua bán độc quyền gây rủi ro và thiệt hại cho khâu phân phối cuối vậy được.
Trong thực tế, nếu cho vận hành đúng cơ chế thị trường, ngay cả khi có cây xăng gian lận, bán hàng giả…, chính người tiêu dùng tẩy chay cửa hàng đó trước khi quản lý thị trường tìm đến.
Ông Ánh nhấn mạnh: “Các nhà bán lẻ bị động hoàn toàn khi phía đầu mối cung cấp bị đứt hàng, cho dù là đứt hàng cục bộ. Họ cũng là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ bị thiệt thòi khi bị cắt thù lao bán hàng nhưng không thể bỏ nhà phân phối tổng đó để đi mua hàng ở một nhà phân phối khác. Sự phụ thuộc này gần như một dạng quan hệ “mẹ con” giữa các doanh nghiệp đầu mối và các cây xăng bán lẻ khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau. Thế nên, bất kể chúng ta có cơ chế giá kiểu gì đi chăng nữa thì cũng không tạo ra cái gọi là giá thị trường được. Kéo theo đó, phần chiết khấu cao hay thấp cũng không có tác dụng, hay thậm chí sẽ bị méo mó đi khi mà chúng ta không có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo”.
Bình luận (0)