Nên dẹp ghế phụ trên tàu hỏa

09/05/2014 17:07 GMT+7

(TNO) Tính tôi trước nay vốn không thích cái gì là phụ, bởi đã là phụ chắc chắn không phải là... chính. Nhưng ngành đường sắt thì có vẻ khác tôi.

Nên dẹp ghế phụ trên tàu hỏa
Những chiếc ghế phụ và những “khách phụ” trên chuyến tàu SE7 ngày 6.5 - Ảnh: Nguyễn Phúc

1. Ngày trước, nhiều lần mua vé tàu hỏa, đặc biệt vào thời gian cao điểm, tôi thường được người bán vé “tư vấn”: “Chỉ còn ghế phụ, có đi không?”. Dù luôn lắc đầu nhưng tôi cứ băn khoăn tự hỏi, trên mọi con tàu người ta đều có dãy ghế, số ghế cố định thì cái gọi là "ghế phụ" là sao?

Sau này, kinh nghiệm đi tàu được “nâng cấp” thì tôi mới biết ghế phụ trên hỏa xa thực chất vẫn là một... cái ghế, nhưng được làm bằng nhựa thay vì bằng gỗ hoặc bằng nệm như ghế tàu thông thường. Loại ghế nhựa này khá thông dụng, thường thấy tại các hàng quán ven đường.

Chắc chắn các kỹ sư khi thiết kế và chế tạo các toa tàu hỏa đã không tính đến sự xuất hiện của những chiếc ghế nhựa này. Đáng nhẽ họ phải “nhìn xa trông rộng” hơn để biết rằng, có ngày người ta sẽ bỏ những chiếc ghế nhựa ngay giữa hai hàng ghế chính, phần mà mọi người thường gọi là... lối đi, để làm chỗ ngồi.

2. Tôi không rõ việc bán ghế phụ có trong ngành đường sắt tự bao giờ và hiện ngành này quy định mỗi toa được đặt bao nhiêu ghế phụ. Nhưng xin lấy từ kinh nghiệm thực tế  gần nhất của tôi trên chuyến tàu SE7 đi chiều tối 6.5 để làm ví dụ.

Dù đi quãng rất ngắn (100 km) từ TP.Đông Hới (Quảng Bình) đi TP.Đông Hà (Quảng Trị) nhưng ngay từ đầu tôi đã cảm giác toa tàu của mình hôm ấy chật chội hơn bình thường. Khi tàu chạy mới biết, dọc lối đi, có không dưới 7 hành khách đang vật vạ trên... ghế phụ. Họ ngồi nép về một phía, dáng bộ không thể mệt mỏi hơn. Nhưng sự hiện diện của họ cũng làm người ngồi ghế chính không thoải mái vì phải chia sẻ khoảng không gian không lấy gì làm rộng trên tàu hỏa.

Một số người yên vị ngồi trên chiếc ghế phụ của mình, nhưng cũng có không ít người vì không thể chịu nổi độ cứng của cái ghế này nên phải đi vật vờ. Hễ thấy có ghế chính nào trống thì lại chen vào ngồi một lúc, đến khi “chính chủ” của cái ghế đó đến thì lại phải thểu não nhổm đít đi. Thậm chí, có người đã phải trả thêm một khoản “phí” để được “đổi chỗ”, được vào nằm trong buồng riêng của nhân viên hỏa xa.

Chưa hết, việc những ghế phụ “án ngữ” giữa lối đi độc đạo trên tàu hỏa đã làm cho sự di chuyển của hành khách không thể khó khăn hơn. Riêng đối với các xe đẩy, bán cơm và các mặt hàng khác trên tàu, khi đụng phải ghế phụ cũng phải “dừng bước giang hồ”.

Nên dẹp ghế phụ trên tàu hỏa
Có ghế phụ, khoang tàu hỏa trở nên chật chội hơn - Ảnh: Nguyễn Phúc

3. Tôi tin sẽ có người cho rằng tôi đã không đặt mình vào vị trí của người nghèo khi “mỉa mai” những chiếc ghế phụ trên tàu hỏa. Bởi ai cũng biết ghế phụ thường “mềm” hơn ghế chính và trên đất nước này vẫn còn nhiều người phải chật vật để mua một cái vé tàu đàng hoàng.

Nhưng tôi cũng tin rằng, không một ai muốn mình “cầu bất cầu bơ”, trở thành một “khách phụ”, phải nhổm lên nhổm xuống để tránh người qua kẻ lại, trên một chuyến tàu cả. Đến cái chỗ ngồi để làm việc hoặc chỉ để ngồi thôi người ta còn muốn được yên ổn huống hồ là đang ở trên một chuyến tàu lắc lư.

Đấy là chưa nói, người ta có thể chọn hạng ghế “bình dân” hơn, “ngồi cứng” thay vì “ngồi mềm điều hòa” để phù hợp với túi tiền. Đa số sẽ nghĩ như tôi: Có “ngồi cứng” nhưng là “chính chủ” còn hơn là phận... phụ, thứ.

4. Vì những phân tích trên, theo tôi, nên dẹp ghế phụ trên tàu hỏa bởi chính những cái ghế phụ đó đang “kéo” những đoàn tàu “chậm lại”. Điều đó càng tồi tệ hơn trong bối cảnh ngành đường sắt vốn đã có nhiều trì trệ như báo chí thường xuyên phản ánh.

Thêm ghế phụ, không biết ngành đường sắt thu thêm được bao nhiêu tiền nhưng cái mất thì đã rõ. Ghế phụ sẽ làm giảm chất lượng phục vụ, làm những toa tàu trở nên nhếch nhác nhưng mang lại sự bực mình cho hành khách. Ghế phụ là khái niệm hoàn toàn không phù hợp với việc phát triển ngành đường sắt theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

Lãnh đạo ngành đường sắt nên nghĩ về chất lượng thay vì quan tâm đến số lượng khách. Hãy nghĩ hành khách sẽ chấp nhận trả thêm một ít tiền để được phục vụ tốt hơn, với điều kiện không có ghế phụ trong toa...

Nhưng như đã nói ở trên, có khi ngành đường sắt nghĩ khác!

Nguyễn Phúc (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phòng và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại Quảng Trị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.