Nên đưa giáo dục cảm xúc vào chương trình học

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
04/04/2022 06:01 GMT+7

Chương trình giáo dục hiện chỉ quan tâm đến khía cạnh học chứ chưa để ý nhiều đến khía cạnh 'sống'. Để học sinh vui vẻ và hạnh phúc thì bên cạnh việc học, cũng phải chú trọng xây dựng và cân bằng đời sống tinh thần.

Tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe và kiến thức

Đó là sự nhấn mạnh của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM (nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ).

Bà Uyên Phương cho rằng hầu hết chương trình giáo dục của chúng ta chỉ quan tâm đến khía cạnh học chứ chưa để ý nhiều đến khía cạnh “sống”. Để xây dựng một môi trường học thành môi trường sống đúng nghĩa của trẻ, bà Uyên Phương đề xuất đưa bộ 3 gồm: giáo dục cảm xúc, kỷ luật có ý thức, tham vấn học đường… vào chương trình thiết yếu trong nhà trường.

Với học sinh (HS), các chương trình này giúp các em nâng cao được khả năng tự nhận thức, biết cách điều hòa cảm xúc của bản thân, có kỹ năng kết nối, biết cách tìm kiếm sự trợ giúp và có được sự trợ giúp về tâm lý khi cần. Nhưng chương trình này cũng giúp người lớn (thầy cô, cha mẹ) biết cách thiết lập nền nếp kỷ luật cho các em dựa trên sự tôn trọng, thấu hiểu và nhận biết kịp thời các dấu hiệu cần được trợ giúp của HS.

Thế nhưng, bà Phương cho rằng thực tế có rất ít trường học ở Việt Nam chú trọng các chương trình này, hoặc làm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Ngoài ra, việc xây dựng đời sống cho HS ở trường không chỉ là nhiệm vụ của giáo viên mà còn là trách nhiệm của gia đình và chính các em. Tự HS phải chủ động. Những nhân tố trong gia đình cũng tác động rất lớn đến HS, do vậy cha mẹ cũng phải học kỹ năng làm cha làm mẹ như: lắng nghe, trợ giúp khi cần, nhận biết các dấu hiệu bất ổn…

“Hỗ trợ con không đồng nghĩa với việc triệt tiêu tất cả mọi áp lực, rào cản mà phải rèn cho con sự tự lập, kỹ năng đương đầu và thích nghi dần với áp lực”, bà Uyên Phương nói và cho rằng những kỹ năng này trẻ cần được tham gia, trải nghiệm và học hỏi.

Đứa trẻ như một ngôi nhà, sức khỏe thể chất chính là mặt bằng bên ngoài, còn sức khỏe tinh thần là cấu trúc bên trong

NGUYỄN LOAN

Phải hiểu để mà thương

Từng có thời gian học tập và làm nghiên cứu sinh tại New Zealand, tiến sĩ giáo dục mầm non - ngôn ngữ trẻ em Phạm Minh Hoa (giảng viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) ví một đứa trẻ như một ngôi nhà, sức khỏe thể chất chính là mặt bằng bên ngoài, còn sức khỏe tinh thần là cấu trúc bên trong. Ngôi nhà muốn vững chắc thì cần phải cân bằng được cả hai yếu tố này.

Tiến sĩ Phạm Minh Hoa cho biết chương trình giáo dục ở New Zealand đã đưa yếu tố Well-being (sự cân bằng giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, và sự hài lòng với cuộc sống) của một HS vào làm thước đo cho chất lượng giáo dục và sự phát triển HS. Chính vì thế, các trường học phải có những biện pháp, cách thức hỗ trợ HS cả ở trường lẫn ở nhà. Các em đến trường không chỉ đơn thuần học kiến thức.

“Một đứa trẻ không chỉ biết ăn, biết ngủ, biết học hành mà cần nhiều hơn thế. Trẻ em cũng giống như người lớn, các em là những cá thể chủ động. Trẻ có cảm xúc, tâm tư, tình cảm và suy nghĩ riêng của mình… Điều người lớn chúng ta cần làm là quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ các con qua từng giai đoạn”, tiến sĩ Hoa chia sẻ.

Học sinh đến trường không chỉ đơn thuần học kiến thức

đào ngọc thạch

Không chỉ là một nhà giáo dục, là mẹ của hai con, tiến sĩ Phạm Minh Hoa cho rằng từ góc độ phụ huynh thì cần “phải hiểu để mà thương”. Muốn thương thì phải hiểu trẻ trước. Và trong nhiều trường hợp, người lớn phải vào vị trí của con trẻ để thấu hiểu, đồng hành.

“Tôi học rất nhiều nhưng khi sinh và nuôi dạy con, chính các con dạy lại cho tôi rất nhiều điều chẳng thể nào học được trong sách vở. Do vậy, chúng ta hãy cứ dành thời gian tương tác thường xuyên, quan sát và quan tâm con thì tôi nghĩ mọi nút thắt sẽ được tháo gỡ. Điều quan trọng nữa là người lớn phải học cách chấp nhận sự khác biệt của con. Tôi tin cha mẹ nào làm được điều này thì đứa trẻ sẽ hạnh phúc”, tiến sĩ Hoa nói thêm.

Ngoài ra, việc quan sát và tương tác thường xuyên với con sẽ giúp cha mẹ dễ dàng nhận ra những thay đổi trên cơ thể cũng như tâm lý của con. Ví dụ thấy con bỗng nhiên ít nói, thu mình, cáu bẳn… thì cần phải tìm hiểu thêm thông tin từ bạn bè, thầy cô để hiểu con đang gặp khó khăn ở đâu và tìm cách hỗ trợ con nếu cảm thấy cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.