Nên giảm trường đại học công lập

Quý Hiên
Quý Hiên
13/06/2019 09:03 GMT+7

Ngày 12.6, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đã tổ chức hội thảo bàn về vấn đề tái cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH và GD nghề nghiệp VN.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng chung nhận định về thực trạng bức tranh giáo dục (GD) ĐH VN hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Tốc tộ tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là về số lượng cơ sở đào tạo và sinh viên (SV) nhập học, trong khi đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng.

TS Nguyễn Bá Cần, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT), nêu ví dụ: “Các cơ sở GD ĐH xếp ở vị trí tốp đầu theo định hướng nghiên cứu chưa hoàn thành. Các số liệu cho thấy hầu hết các cơ sở GD ĐH dù định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng đều tập trung ưu tiên cho mở rộng tuyển sinh đầu vào đào tạo đại trà. Hoạt động đào tạo tinh hoa và nghiên cứu khoa học của các trường thuộc tốp trên chưa thể hiện được vai trò đầu tàu”.
Tiến sĩ Cần nêu một ví dụ khác cho thấy mạng lưới GD ĐH hiện nay rất có vấn đề khi hệ thống trường công ngày càng phình ra bất thường về số lượng cũng như quy mô SV. Trong khi đó, trường tư tuy có tăng về số trường nhưng tỷ lệ SV hầu như không tăng. Năm 1995, cả nước có 23 cơ sở đào tạo ngoài công lập với quy mô 54.100 SV, chiếm 14,7% tổng số quy mô SV của cả nước. Đến năm 2018, số cơ sở đào tạo ngoài công lập tăng lên thành 65, với quy mô là 267.530 SV, chiểm tỷ lệ 15,7% tổng số quy mô SV. Như vậy, trong suốt 23 năm, tỷ lệ SV ĐH ngoài công lập so với tổng quy mô SV của cả nước chỉ tăng đúng... 1%.
Cũng đồng tình với cách nhìn nhận về thực trạng trên, ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia tư vấn cho nhiều ĐH Mỹ, thành viên Hội đồng quốc gia GD và phát triển nguồn nhân lực VN (2016 - 2021), đưa ra đề xuất tái cấu trúc hệ thống các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2020 - 2045 phù hợp với mô hình phát triển nguồn nhân lực cùng giai đoạn. Trong đó, hệ thống trường ĐH, CĐ sẽ gồm các loại trường: ĐH nghiên cứu và giảng dạy (đào tạo đến bậc học tiến sĩ); ĐH vùng, với chức năng giảng dạy và nghiên cứu một số lĩnh vực, đào tạo lên tới thạc sĩ, một số nhỏ có thể đào tạo bậc tiến sĩ; ĐH cấp cử nhân (4 năm) là chính, thực hiện nhiều loại hình đào tạo, từ khoa học xã hội nhân văn, sư phạm đến kỹ sư thực hành, một số trường có thể liên kết đào tạo CĐ; ĐH 2 năm (CĐ).
Ông Cảnh khuyến nghị: “Nhà nước nên có chủ trương tập hợp số lớn ĐH cùng chuyên ngành thành đa ngành, giảm số ĐH công từ 171 trường xuống còn khoảng 160 trường nhằm quản lý và phân phối nguồn lực hiệu quả. Sáp nhập phần lớn các trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện với ĐH, giúp bổ sung năng lực nghiên cứu và giảng dạy cần thiết”.
Theo tính toán của ông Cảnh, nếu thực hiện tái cấu trúc ĐH, CĐ theo mô hình ông đề xuất, đến năm 2045 sẽ đạt một số chỉ tiêu như dân số có bằng ĐH (4 năm) tăng từ 9,3% đến 20%, đáp ứng nhu cầu quản lý, kỹ thuật và chuyên môn; số lượng thạc sĩ tăng từ 0,6% lên 4,2%; số người được đào tạo chuyên môn cao chiếm 1% số lao động; dân số có bằng tiến sĩ tăng từ 0,06% lên 0,27, dự kiến 80% tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian 25 năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.