Nên hay không can thiệp ghép da từ giai đoạn vết thương?

03/01/2024 15:07 GMT+7

ThS-BS Nguyễn Phương Thảo đang công tác tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã có bài báo cáo, trình bày về vấn đề chăm sóc và phục hồi da trong thẩm mỹ tại Hội nghị Khoa học quốc tế thường niên VSAPS lần 8, được tổ chức ngày 9 - 10.12.2023.

Nên hay không can thiệp ghép da từ giai đoạn vết thương? - Ảnh 1.

Lành thương là một quá trình gồm nhiều giai đoạn nối tiếp và chồng lắp nhau, gồm giai đoạn cầm máu, giai đoạn viêm, biểu mô hóa, tăng sinh, có vết thương, tái cấu trúc. Sau đó là quá trình tạo sẹo, kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm. Việc chăm sóc vết thương chuẩn sẽ giúp hạn chế việc hình thành sẹo xấu hoặc các sẹo ảnh hưởng chức năng sau này.

Nên hay không can thiệp ghép da từ giai đoạn vết thương? - Ảnh 2.

Theo ThS-BS Nguyễn Phương Thảo, để chăm sóc vết thương chuẩn cần phải đánh giá toàn diện gồm nguyên nhân gây vết thương, tiền căn bệnh lý, tiền căn sử dụng thuốc của người bệnh, đặc điểm lâm sàng của vết thương. Từ đó, bác sĩ sẽ có phác đồ chăm sóc tối ưu cá thể hóa cho từng trường hợp.

Nhìn chung, việc chăm sóc vết thương chuẩn cần lưu ý 4 vấn đề: cắt lọc mô hoại tử, bảo tồn mô sống; kiểm soát và điều trị nhiễm khuẩn; cân bằng độ ẩm môi trường vết thương và đánh giá tiến triển bờ vết thương.

Nên hay không can thiệp ghép da từ giai đoạn vết thương? - Ảnh 3.

Sự phát triển của quan niệm hiện đại ngày càng nhấn mạnh vai trò then chốt của việc cân bằng độ ẩm tại vết thương. Từ năm 1962, tiến sĩ người Anh - George D. Winter là người đã phát hiện ra quá trình biểu mô hóa vết thương ở môi trường ẩm nhanh gấp đôi vết thương có mài. Môi trường ẩm ở vết thương tạo điều kiện tối ưu cho sự tăng sinh, phát triển và di trú của tế bào, thúc đẩy tiến trình biểu mô hóa. Việc cân bằng ẩm có thể được hỗ trợ bằng việc dùng các miếng film, foam hoặc các loại hydrogel, hydrocolloid.

Ghép da được chỉ định khi vết thương do nguyên nhân chấn thương phức tạp, vết bỏng độ 2-3, kích thước vết thương lớn, hoặc vết thương không lành sau quá trình liền sẹo nhằm hỗ trợ, thúc đẩy quá trình biểu mô hóa vết thương, ổn định về mặt cơ học cho nền vết thương.

Ngoài ra, ThS-BS Nguyễn Phương Thảo còn nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của các sản phẩm thoa giúp hỗ trợ quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn, hạn chế việc hình thành sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo tăng sắc tố, giảm đau, giảm ngứa. Cụ thể là việc sử dụng các miếng dán silicone, gel silicone, các sản phẩm giữ ẩm có độ giữ nước cao, kết hợp với các hoạt chất chống oxy hóa, kháng viêm như coenzyme Q10, vitamin C, vitamin E, chiết xuất từ thực vật như rau má, lô hội, hành tây… Các sản phẩm này nên được sử dụng sớm và duy trì trong thời gian dài nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.

Nên hay không can thiệp ghép da từ giai đoạn vết thương? - Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.